Tin chung

  Tra soát thu chi công khai:
Quỹ chính 1501 MBBank Hoàng Thị Quỳnh Trang:

https://thiennguyen.app/user/ntcm2007
Quỹ xe Nhân Ái 1575 MBBank Đoàn Thị Khánh Ly:
https://thiennguyen.app/user/nguoitoicuumang
Cập Nhật chi tiết cùng Cơm, Cháo, chương trình khác …. Tại
ĐÂY

Tin chung

  Tra soát thu chi công khai:
Quỹ chính 1501 MBBank Hoàng Thị Quỳnh Trang:

https://thiennguyen.app/user/ntcm2007
Quỹ xe Nhân Ái 1575 MBBank Đoàn Thị Khánh Ly:
https://thiennguyen.app/user/nguoitoicuumang
Cập Nhật chi tiết cùng Cơm, Cháo, chương trình khác …. Tại
ĐÂY

Tác giả Chủ đề: TẢN MẠN ĐÊM GIAO THỪA  (Đã xem 3177 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi nguoithuhaihai

Trả lời #7 vào: 10-02-2011 22:35:56
Xin được bày tỏ sự cảm phục tinh thần, nghị lực và thái độ sống của lano. Cầu chúc bạn luôn có nhiều niềm vui, nhiều bạn tốt và luôn gặp nhiều may mắn.

 


Ngủ rồi SauDongkosaudau

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 16
  • Thích 0
Trả lời #6 vào: 10-02-2011 14:34:16
Chào ban! Mình là thành viên mới của diễn đàn. Mình vừa đọc bài viết : \\\" Tản mạn đêm giao thừa \\\" của bạn. Mình rất xúc động. Trong cuộc sống mình cũng đã từng chứng kiến hoặc được nghe kể về những hoàn cảnh như vậy. Mình chúc cho bạn và những bệnh nhân đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật những lời chúc may mắn và chúc bạn có thêm nghị lực,Niềm tin vào cuộc sống. Cuộc sống sẽ mang lại những điều kì diêu cho những ai biết yêu và trân trọng nó!

 


Ngủ rồi bymyside4

Trả lời #5 vào: 08-02-2011 16:47:31
Trích dẫn
- Ngủ ngoan nhé, Tuấn! Sẽ không còn gì hành hạ thân xác em nữa đâu!

Năm mới lại tới ,lại phải cố gắng ,lại phải hy vọng rồi :)

 


Ngủ rồi Sonnynhan

Trả lời #4 vào: 07-02-2011 21:38:44
Chào Lano, câu chuyện của em rất xúc động, và rất...rất vui khi đọc được một lúc nhiều bài viết của em, điều đó có nghĩa là em đã khỏe hơn nhiều.
Mong sớm gặp em tại Sài Gòn.!
Chúc em và gia đình một năm mới tràn đầy hy vọng.! Chúc mọi sự tốt lành nhất sẽ đến với em.!
Thân!

 


Ngủ rồi yugidazai

Trả lời #3 vào: 07-02-2011 01:33:08
Câu chuyện thật của e rất hay và xúc động Lano ah,nhờ vậy mà a cảm giác mình như tận mắt chứng kiến và cảm nhận được nỗi buồn đó, dù là chỉ 1 phần.
Đọc câu cuồi cùng của em, a cũng yên tâm và tin em sẽ đc như thế.
Mong mùng 6 em sẽ nhận đc 1 kết quả tốt và sớm trở lại SG hen :)

 


Ngủ rồi fullmoon_107

  • Thành Viên Gắn Kết
  • Người Tôi Cưu Mang
  • ****
  • Bài viết: 712
  • Thanked: 88 times
  • Thích 0
Trả lời #2 vào: 06-02-2011 19:47:32
Rất mừng khi thấy sức khỏe của em đã khá lên nhiều...!!!
Đọc câu chuyện một chúc thoáng bùn. Dù biết quy luật sinh-lão bệnh-tử là không ai tránh khỏi, nhưng cậu bé trong bài viết còn quá trẻ, phía trước là một tương lai tươi sáng.... Ta thấy được nỗi đau của những bà Mẹ, những người đã theo ta đến những phút cuối....!!!!
Dẫu biết nỗi đau là thế nhưng ta vẫn có quyền hi vọng...!!!
Chúc em khỏe...!!!!

 


Ngủ rồi lano

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 39
  • Thích 0
Trả lời #1 vào: 06-02-2011 15:18:40
Hai mươi ba tuổi, có lẽ quá sớm và quá ngớ ngẩn để nghĩ về cái chết, đối với ai đó khỏe mạnh. Nhưng cô thì khác. Cô đã bắt đầu nghĩ về nó mỗi đêm, mỗi ngày kể từ khi nhận được kết quả kiểm tra sinh thiết lần cuối từ tay bác sĩ. Hai tiếng UNG THƯ là cái án tử hình đối với bất cứ ai. Có kẻ đã cắn lưỡi tự tử ngay khi vừa hay tin, và có kẻ sốc quá mà suýt theo ông bà ông vải vì  lên cơn nhồi máu cơ tim chứ không phải vì bệnh K. Cô cũng chẳng khác gì họ. Dù cho có mạnh mẽ đến đâu, cô cũng đủ thông minh để biết sự thật nghiệt ngã nào đang đến với mình. Cô từng lén lút mua năm mươi viên thuốc ngủ để thực hiện cái việc ngu xuẩn là đầu hàng số phận. Nhưng rồi tất cả qua đi, cô đối diện với mọi người và với chính mình. Ai rồi cũng phải chết, chỉ là sớm hay muộn thôi. Cái triết lí nhà Phật là thân xác con người chỉ là cát bụi, và một lúc nào đó hết nợ trần gian thì lại trở về cát bụi đã an ủi cô.
Cô làm một phép nhẩm tính, khôi hài và nghiêm túc về những MÓN NỢ TRẦN GIAN mà cô chưa trả được, để rồi thỏa mãn cười rằng mình còn lâu mới bị chết, bởi nợ ngập đầu thế kia, trả chưa dứt thì chết sao được. Cô nhìn đời theo một cách khác, tích cự và lạc quan hơn để  đối mặt và chống chọi.
Cô nợ bà ngoại lời hứa: \\\"Tốt nghiệp xong đi làm ổn định rồi cháu sẽ lấy chồng cho bà có chắt ngoại\\\"  :)
Cô nợ cha mẹ ơn sinh thành mà có lẽ đến hơi thở cuối cùng cô cũng không thể báo đáp, dù cha mẹ cô chưa bao giờ trông chờ sự báo đáp đó. Cô nợ mẹ những giọt nước mắt đau khổ trăn trở mỗi đêm, nợ cha dáng đi còng lưng vì gánh nặng, cái thở dài và mái tóc đã băt đầu hằn dấu tuổi già...
Cô nợ hai đứa em bé bỏng lời hứa \\\"Tốt nghiệp ĐH chị sẽ đi làm phụ bố mẹ lo cho hai đứa, nên cứ yên tâm mà học và thi đậu ĐH\\\"...
Cô nợ những đứa bé ngây thơ, không phải em út, cháu chắt dây mơ rễ má gì cô nơi bệnh viện những nụ cười đồng cảm, những tình yêu thương vô điều kiện và những câu chuyện vẫn còn dang dở chưa kể hết. Nợ những em đã mất và còn sống với bệnh tật lời hẹn sẽ mang những cuốn truyện du kí do cô sáng tác vào bệnh viện để các em đọc, và sẽ khỏe để kể cho các em n câu chuyện nữa. Có thể các em sẽ quên (do trẻ em hay quên hoặc do tác dụng thuốc giảm đau khiến người ta mau quên) nhưng cô không cho phép mình quên điều đó.
Cô nợ mọi người, thầy cô, bạn bè, \\\"đồng nghiệp\\\" những lời an ủi, sự sẻ chia thành thật. Họ luôn vì cô và bên cô.
Cô nợ những món nợ khác nữa, kể cả tinh thần và vật chất.
Cô  phải tự trả, chứ không thể ỷ lại cho ai...
Vì thế mà cô thấy mình quên đi nỗi tuyệt vọng.
Chết chẳng có gì ghê gớm, nếu một ngày nó đến thì cô cũng đã chuẩn bị tinh thần tốt nhất để đón nhận.
Cái chết biết trước có khi còn hạnh phúc hơn là chết bất đắc kì tử ấy chứ!
Có những kẻ vô phúc ra đường chết vì tai nạn giao thông, chết mà chẳng tòan thây, đau đớn nhường nào?
Cũng có kẻ chết vì ăn chơi trác táng, họ chết rồi mà cũng không tránh khỏi sự khinh khi của người đời. Gia đình họ thì vừa đau khổ vừa nhục nhã.
Có ngừời thì sống mà như đã qua đời, chẳng có ý nghĩa đối với ai, và cũng chẳng ai có ý nghĩa với họ, sống như thế, chết e còn hạnh phúc hơn.
Cô nghĩ vậy, và tự nhiên thấy lòng thư thái lạ.
Cô biết, cô sống sẽ không vô nghĩa, vì có ít nhất cô còn có ý nghĩa với ai đó, gia đình cô hay những người thương yêu cô thật sự.
 Còn sống là còn hy vọng, có bao kì tích đã xảy ra đấy thôi. Sao cô lại không thể làm được điều bình thường ấy chứ?
Cô tin là tin vậy. Nhưng...
Cũng có lúc, như chiều nay, niềm tin và sự lạc quan trong cô bị lung lay. Cô đang ở trong bệnh viện, trong thời khắc cuối năm. Từ miền Nam lặn lội ra đây chỉ với một hy vọng là tìm được may mắn với nhóm bác sĩ nước  ngoài. Cô tình nguyện làm con chuôt bạch cho phương pháp và thuốc đặc trị mới, loại thuốc mà trước đó chỉ mới tiêm cho chuột, chưa tiêm cho người. Kệ, cứ liều đi, may mắn gõ cửa rất khẽ, biết đâu mình sẽ thành công.
Nhưng quả thật, lần đầu phản ứng thuốc quá dữ dội, hoặc có thế do sức cô còn yếu sau chuyến xe dài, nên cô đuối hẳn. Chưa bao giờ cô mệt và căng thẳng thần kinh như lúc này. Nhưng mấy vị bác sĩ không nhìn thấy sự ức chế trong từng tế bào thần kinh của cô, họ nói với nhau bằng thứ tiếng Thụy Sĩ (hình như là tiếng Pháp) lộ rõ sự vui mừng, có vị còn bắt tay cô thật mạnh. Bác sĩ người Việt bảo cô: \\\"Họ khen thể trạng cháu rất tốt, có nhiều triển vọng. Cố gắng nhé!\\\". Cô cười gượng, nhắm mắt ngủ một giấc thật sâu để quên đi sự mỏi mệt.
Tỉnh dậy, dù còn mệt, nhưng cô vẫn cố gắng đi dạo. Cô ra khỏi giường mặc cái rét căm căm của trời Hà Nội.

Cô đi từng bước nhẹ dưới vòm hoa sữa cuối năm trong khuôn viên bệnh viện. Gió từng cơn lùa qua giá buốt. Mọi thứ xám xịt và hiu hắt buồn tênh dưới bầu trời không còn chút nắng. Cô cố đếm từng buớc chân mình để tĩnh tâm. Với một cô gái tuổi đôi mươi, chiều 30 Tết phải ở lại trong cái chốn dành cho những kẻ khốn khổ vì bệnh tật này cố găng để tâm hồn không gào khóc thảm thiết quả thật không dễ chút nào.
Dường như cô đang trải qua một cơn ức chế sau vô thuốc. Mặt nóng bừng bừng, đầu óc hỗn loạn trăm suy nghĩ tiêu cực, cô muốn gây sự với ai đó để giải tỏa, nếu không, cô sẽ phát điên. Nhưng bệnh viện cuối năm vắng như chùa Bà Đanh, một số bệnh nhân được về ăn Tết, những bệnh nhân còn lại do bệnh nặng nên chỉ nằm bẹp trong phòng bênh, số khác khỏe hơn thì ra chợ Đồng Xuân hoặc khu lân cận tìm việc làm kiếm tiền để sau ba ngày Tết có thêm đồng vô đồng ra mà cầm cự với bệnh tật.
Mẹ cô cũng đi đâu mất từ sáng sớm. Ngủ dậy sau khi truyền dịch, chỉ còn mình cô trong phòng bệnh, cô đâm giận mẹ,mẹ lại bỏ cô một mình. Khoác chiếc áo len cũ sờn lên người, cô đứng dậy bước ra ngoài. Cô không muốn làm cái xác thoi thóp trên giường trong ngày ba mươi Tết.
Cô đi dọc con đường lát đá xám. Những gốc cây quét vôi trắng sần sùi và già nua co ro trong giá rét, những chiếc ghế đá dành cho bệnh nhân ngồi nghỉ xanh lét màu đá hoa cương giả tạo. Con đường tưởng như dài vô tận. Dường như chỉ có mình cô độc hành. Mọi người đâu cả rồi.
-   Dao! Dao ơi!
Đang trầm tư suy nghĩ, chợt tiếng một chàng trai vang lên sau lưng, giọng nói xứ Bắc trầm ấm. Cô giật mình quay lại, dù không đúng tên.
Chàng trai đang đi từng bước nhanh, dồn dập như chạy về phía cô. Trên người anh là bộ đồ xanh lơ của bệnh nhân khoa ngoại tổng hợp. Môi anh tái đi vì lạnh, nhưng dường như anh không để ý điều đó. Cô chưa kịp phản ứng gì thì chàng trai đã đến trước mặt, hai bàn tay giá như đồng, những ngón thon dài gầy xanh xao nắm lấy đôi tay bé nhỏ của cô. Giọng anh đứt quãng:
-   May quá, anh đuổi… kịp em rồi! Sao em … lại bỏ đi? Hả Dao? Sao em bỏ đi mà … không nói với anh câu nào vậy em?
Cô sững sờ quá đỗi, cố gỡ bàn tay chàng trai lạ ra khỏi tay mình, cô quắc mắt nhìn sâu vào đôi mắt thăm thẳm buồn của anh ta, giọng như ra lệnh:
-   Anh nhầm người rồi đấy! Bỏ tay tôi ra!
-   Nhầm ư? Ha ha ha! – Chàng trai ngửa mặt lên trời cười một tràng dài, rồi anh xiết mạnh hơn đôi tay gầy của cô, gằn từng tiếng như tiếng nấc – Em là đồ vong tình bội nghĩa, sao em nỡ bỏ anh lúc anh bệnh tật, sao em bỏ rơi anh?
Rồi, một anh chàng sắp chết còn điên tình. Cô giằng mạnh đôi tay ra khỏi tay anh ta, gắt lên.
-   Đồ khùng! Bỏ ra!
Chàng trai sững sờ nhìn cô bước thẳng đi không nhìn lại. Cô lầm bầm thêm vài câu rủa trong miệng, chẳng hiểu sao lòng không chút trắc ẩn nào trước con người tội nghiệp ấy, cho đến khi cô nghe tiếng mẹ anh ta vang lên từ xa:
-   Tuấn ơi, trời ơi sao ngồi đó con? Khổ thân con tôi, lạnh lắm không con? Quần áo bẩn hết rồi này! Để mẹ dìu con vào nhé?
Cô quay lại nhìn, một người phụ nữ gầy liêu xiêu, tóc đã ngả màu sương gió đang tất tả tới nựng nịu và dìu đứa con trai đang khóc tấm tức vào phía phòng bệnh nặng. Bất giác cô quay nhanh đi. Cô bỏ chạy. Cô không muốn có một giọt nước mắt nào rơi ra cả. Cô không muốn.
Cô vấp phải mẹ ngay cửa phòng Hóa trị. Mẹ cô xách một chùm nho tím mọng đưa lên ngang mặt, cười cười.
-   Nho Mỹ đấy nhé! Con vừa đi đâu vào đấy? Đang mệt sao không nằm nghỉ?
-   Con đi tìm mẹ! – Cô lại gắt vô cớ - Mẹ đi đâu mà không nói?
-   Mẹ ra chợ! – Mẹ cô dịu dàng.
-   Mẹ ra chợ làm gì? – Cô dồn hết cơn uất ức cho mẹ, chẳng vì điều gì.
Mẹ cô ngồi xuống bên mé giường, đõ cô nằm xuống rồi thở dài bảo:
-   Ngoài đó người ta thuê người bán cây cảnh Tết, một buổi được hai trăm ngàn cơ đấy!
-   Mẹ đi bán cây cảnh à? – Cô nhổm lên hỏi lại.
-   Ừ! – Mẹ cô trả lời, không nhìn cô.
-   Ai bảo mẹ đi làm việc ấy?
Giọng cô vẫn khó chịu, nhưng mẹ cô không để ý, bà hiểu cô đang bị thuốc hành. Bà lại thở dài, lắc đầu nhè nhẹ. Rồi bà cố đùa.
-   Không làm lấy tiền đâu mua nho cho cô ăn, nho Mỹ một kí tám chục ngàn đấy cô nương ạ!
Cô quơ tay, gạt đổ chùm nho bên cạnh xuống đất. Cô ấm ức khóc không thành tiếng.
-   Con muốn đi về nhà, không ăn nho, không truyền thuốc, không chạy chữa gì nữa hết. Mẹ đưa con về đi!
Bà mẹ khổ sở đưa bàn tay chai sạn vuốt mái đầu chỉ còn lưa thưa tóc của cô con gái, giọng ngẹn từng tiếng nơi cổ.
-   Bướng nào, hơn hai mươi rồi chứ ít nữa đâu mà nũng mẹ! Không chữa bệnh sao mà khỏi được, sao mà có sức đi làm trả nợ cho mẹ được!
Cô vùi mặt vào chăn, cố kìm cơn phẫn uất của mình, nước mắt nóng hổi ngấm vào lớp vải bông từng đợt, từng đợt.
-   Mẹ con chị cũng phải ở lại Tết à? – Giọng nói người phụ nữ quen thuộc vang lên.
-   Vâng! – Mẹ cô đáp lại. Cô nghe tiếng giường bên có người ngồi xuống. Hai người mẹ bắt đầu trò chuyện như đã quen từ trước.
-    Thằng Tuấn nhà tôi nó trở chứng nên cũng phải ở lại. Từ đây về Bắc Ninh có bao xa, vậy mà cũng phải đón Tết xa nhà!
-   Nhà tôi ở  Đăk Lăk, tưởng trưa nay được về, nhưng rồi con bé bị xung huyết nên phải cấp cứu. Ở đây lạnh quá chị nhỉ?
-   Ừ, nhưng năm nay đỡ lạnh hơn năm ngoái! Mẹ con tôi đón Tết ở viện này lần thứ hai đấy! Khổ quá chị ạ!
-   Bệnh tật phải chịu chứ biết sao chị! Thế cháu trai nhà chị bao nhiêu tuổi, bị bệnh gì?
-   Nó mới mười chín, bị ung thư máu chị ạ! Dạo này thần kinh lại có vấn đề! Chắc cũng không bao lâu nữa…Tôi chỉ có mình nó…
Giọng người mẹ nghẹn lại, rồi cô nghe những tiếng nấc. Mẹ cô thở dài, bà có thói quen thở dài, nghe nẫu cả ruột. Căn phòng im lặng chỉ còn tiếng sụt sịt. Cô nhớ lại hình ảnh chàng trai liêu xiêu đi về phía cô ban nãy. Cô vùng dậy, nắm lấy tay người đàn bà lạ:
-   Anh ấy nằm phòng nào vậy bác? Con trai của bác ấy?

*

Cô leo hết những bậc cầu thang cuối cùng, đứng lại dựa lưng vào tường thở dốc. Cái lạnh tê tái theo không khí vào buốt nhức trong phổi. Nhưng những lời người mẹ kia thốt ra đã tiếp thêm sức mạnh cho cô bước tới căn phòng mang số 217,  phòng bệnh nặng.
Chàng trai đang nằm thiêm thiếp trên giường. Anh ta vừa uống thuốc an thần. Cô nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, lặng lẽ nhìn khuôn mặt thư sinh mỏi mệt của chàng trai trẻ. Bất giác, một tình thương kì lạ dâng lên trong lòng cô, như tình thương của một người chị dành cho em trai. Cậu ấy cũng bằng tuổi em mình, cô nghĩ, nhưng thật bất hạnh khi sự sống này chỉ còn đếm ngược từng giờ.
“Lần vô thuốc gần đây nó ức chế rồi sinh ra chứng tâm thần, khổ lắm cơ!”. Lời người mẹ kia như dao cứa tim cô.
Ai phải đối mặt với cái chết và nỗi tuyệt vọng mới hiểu được tại sao người ta trở nên bất bình thường, thậm chí điên loạn những lúc như vậy!
Biết trước cái chết,và cầm chắc mình sẽ chết trong đau đớn, có mấy ai đủ bình tĩnh đón nhận?
Ai đó nói, “con người ai chẳng một lần chết, có gì đâu mà sợ” hẳn anh ta chưa bao giờ đến bệnh viện, chưa bao giờ cầm hồ sơ bệnh án trong đó ghi tên mình và dòng chữ bác sĩ tô đậm: “Ung thư thời kì cuối”, chưa bao giờ hiểu rẳng, cười trong tuyệt vọng khó khăn đến nhường nào!
Cô đưa bàn tay đặt nhẹ lên trán chàng trai, môi cô mấp máy, chưa kịp nói cố lên em thì cậu đã mở mắt. Không buồn không vui, cũng không phản ứng gì trước một người xa lạ đang vuốt trán mình, chàng trai khẽ mở miệng:
-   Chào chị!
Cô gật đầu cười, thân thương như đã gặp thưở nào:
-   Nhận ra chị không?
Chàng trai tên Tuấn lắc đầu, gắng ngồi dậy theo phép lịch sự. Nhưng cô ngăn lại.
-   Em cứ nằm  đi! Chị gặp em ban nãy, biết tinh thần em không tốt nên qua thăm em! Chị xin lỗi vì thái độ lúc ở sân bệnh viện nhé! Lúc đó tâm trạng chị cũng ức chế quá!
-   Dạ, không có gì đâu chị ạ! Em có nhớ gì đâu. Thế chị nằm khoa nào?
-   Khoa ngoại, lầu 2, phòng X… Chị có nghe mẹ em nói về bệnh của em! Nhưng chị tin sẽ có điều kì diệu xảy ra với em, đừng nản nhé!
Tuấn im lặng, không nói gì trước lời động viên của cô. Đôi mắt buồn thăm thẳm chất chứa niềm tuyệt vọng không thể cứu vãn:
-   Em vừa thi đỗ đại học, chưa kịp đến giảng đường một lần thì đã vào đây, nằm tới giờ. Bao nhiêu ước mơ chưa hình thành đã đổ vỡ, chị có hiểu được điều đó đau khổ như thế  nào không?
-   Chị hiểu chứ! – Cô dịu dàng, cơn uất ức bỗng dưng biến mất trước nỗi cảm thông của hai con người bệnh tật – Nhưng có những thứ mình muốn mà không làm được thì hãy quên đi, mình cứ làm tốt những điều hiện tại, quý trọng từng giây mình còn tồn tại em à!
-   Chị nói thì hay lắm! – Giọng Tuấn hờn dỗi như cậu em nhỏ. Cô mỉm cười độ lượng, đánh trống lảng bằng cách bông đùa
-   Chị cũng có nhiều ước mơ lắm, mà rồi cũng phung phí thời gian ở bệnh viện chứ chưa làm được gì. Chị rất thích nhạc Trịnh, chị địnhmở một quán cà phê nhạc Trịnh. Nhưng vì đau suốt nên chưa lo được nhân sự.  Hay Tuấn cố gắng khỏe mau hợp tác với chị nhé?
-   Chị cũng thích nhạc Trịnh à? – Tuấn bị lừa lạc hướng dễ dàng, đôi mắt u buồn đã tươi lên một chút – Em thi chuyên ngành kế tóan, sau này em sẽ giúp chị hoạch định tài chính!
Cô cười, nói thêm vài câu vui vẻ về một tương lai chỉ có trong ảo tưởng để tìm chút thanh bình trong tâm hồn đang rầu rĩ của Tuấn và của chính mình rồi bảo Tuấn ngủ đi. Tuấn hiền lành làm theo như cậu em vâng lời chị, như chưa hề có chuyện cứ vài tiếng đồng hồ cậu lại lên cơn sốc tinh thần vì đau đớn và hành thuốc. Như chưa hề có chuyện bác sĩ nói cậu khó mà qua khỏi trong ít ngày nữa.
Tuấn ngủ rồi, cô cũng trở về phòng, mở máy tính nhỏ lên và viết những điều cô vừa cảm nhận được. Hai người mẹ khốn khổ đã dắt nhau đi đâu đó. Có thể lại ra ngoài chợ xin một chân bán hàng kiếm tiền. Người mua nho cho con gái, người mua thuốc an thần cho con trai.

*
Tiếng chuông báo cấp cứu trên tầng réo vang cả bệnh viện. Linh tính không hay ập đến. Dãy trên chỉ còn đúng một phòng.
Cô buông vội bàn phím chạy ra khỏi cửa, lao thẳng lên lầu. Mặc kệ vết tiểu phẫu lấy sinh thiết còn chưa hết rỉ máu, mặc kệ những cơn chóng mặt có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Cô lao vào phòng Tuấn khi hai cô ý tá và một bác sĩ trực Tết nhiệt tình đã tới kịp và đang tiến hành cấp cứu tại chỗ cho cậu. Nữ y tá vừa nhìn thấy cô đã nói như ra lệnh.
-   Gọi thân nhân vào đây! Gấp!
Cô hốt hoảng lần tìm điện thoại trong túi. Không có. Cô lại tức tốc chạy xuống lầu. Vớ lấy di động. Cô run lên từng tiếng khi nghe mẹ cô hốt hoảng đầu dây bên kia:
-   Mẹ, nói mẹ em Tuấn vào ngay, nhanh lên!
Cô lại chạy lên lầu. Bác sĩ đang gắn ống thở, y tá đang tiêm thuốc hỗ trợ và hô hấp tim. Cô đứng đó, run rẩy nhìn máu ứa ra nơi miệng Tuấn, mắt Tuấn mở to nhìn cô, như đứa em đang cầu cứu chị gái. Ánh mắt đau đớn, tuyệt vọng xót xa và đầy hoảng loạn mà có lẽ suốt đời này cô sẽ bị ám ảnh.
Cô quay mặt đi, tránh ánh mắt Tuấn và giấu sự bất lực của mình. Cô biết không ai có thể cứu đứa em trai bé bỏng tội nghiệp của cô nữa rồi. Tất cả mạch máu chính của em đã vỡ. Vị bác sĩ già đã lắc đầu, mồ hôi túa ra đầy trán giữa cái lạnh cắt da căt thịt.
Thần Chết tàn nhẫn bước đến chiếc giường ra trắng và lạnh lùng mang Tuấn đi, để lại hình hài gầy yếu đang giãy dụa từng cơn co giật đau đớn vì xuất huyết đồng loạt.
Mẹ Tuấn lao vào phòng. Tất cả mọi người để cho hai mẹ con có phút giây vĩnh biệt. Nhưng Tuấn đã không nói gì được nữa, đôi mắt buồn khép lại, khuôn mặt hằn sâu nét ân hận và nuối tiếc sự sống. Nhưng bàn tay Tuấn đang nắm lấy tay mẹ mình, xiết chặt thay lời trăn trối và tạ lỗi của đứa con bất hiếu vì yểu mệnh.
Cô úp mặt vào ngực mẹ, khóc rưng rức như đang mất đi cái gì ruột thịt. Mẹ cô cũng khóc. Hai cô y tá cũng khóc. Vị bác sĩ cúi mặt giấu đi giọt lệ già nua, dù trong đời ông đã chứng kiến trăm vạn lần sinh li tử biệt.
Đêm giao thừa lạnh giá, cô cùng mẹ tiễn hai mẹ con Tuấn lên xe về quê. Giá mà có thể chúc mẹ con họ một điều gì đó lúc này. Nhưng biết chúc gì bây giờ, mọi lời an ủi một nỗi đau đều là vô nghĩa, khi nỗi đau đó đã lên đến đỉnh điểm rồi.
Người mẹ ngồi trên chiếc xe chuyên dụng của bệnh viện, để đầu đứa con trai gối lên tay mình, như khi còn sống và như những ngày còn bé. Đôi mắt bà khô khốc không một giọt lệ, nhưng nổi đau hiện rõ trên từng tế bào cơ thể. Cô biết điều đó, và không nỡ nói thêm gì, sợ nỗi đau ấy sẽ vỡ òa vì quá sức chịu đựng của bà. Cô chỉ thò tay qua của kính, nắm lấy lần sau cùng bàn tay lạnh ngắt của chàng trai trẻ, nói với cậu trong tận sâu tâm tưởng:
-   Ngủ ngoan nhé, Tuấn! Sẽ không còn gì hành hạ thân xác em nữa đâu!
Chiếc xe lao đi trong đêm ba mươi mịt mùng lạnh lẽo. Cô níu lấy cánh tay mẹ, chợt nhận ra mẹ cô đang run lên từng đợt. Không phải vì lạnh. Bà đang khóc. Cô ôm chặt lấy mẹ, giọng nói hối hả và kiên nghị như xưa nay cô vẫn thế:
-   Mẹ đừng sợ, con sẽ  không sao hết! Con hứa với mẹ đấy!
   
Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đêm 30, Tết Tân Mão.