Tác giả Chủ đề: Công thành thân thoái - Triết lý của Lão Tử  (Đã xem 5815 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi banron

Trả lời #3 vào: 08-05-2012 06:49:04
Lão Tôn đã viết:
Trích dẫn
...Trong đó có một câu thoại mà tôi rất thích, nhưng thú thực tôi không hiểu hết tận nguồn ý nghĩa của nó.
Câu thoại như thế này: \\\"Cái ta thiếu cũng quan trọng như cái chúng ta đang có.\\\"

...


Chào bạn Lão Tôn,

Câu trên đây nếu người nói là người tích cực và khiêm nhường thì hết sức đúng đắn. Tôi xin ví dụ: ta thông minh nhưng nóng nảy vội vàng tức là đang thiếu sự trầm tĩnh. Trong nhiều hoàn cảnh, cái trầm tĩnh mà ta đang thiếu đó cũng quan trọng như cái thông minh mà ta đang có nếu không muốn nói là đôi khi còn quan trọng hơn.

Còn trường hợp người nói là một người tham lam vị kỷ thì câu này là một đòi hỏi hết sức... vô lý. Ví dụ: ta đã có trí tuệ và sức khỏe rồi vẫn còn muốn thêm nhiều thứ nữa như sắc đẹp hay quyền thế (mà mình đang thiếu) để rồi cảm thấy không hài lòng với hiện tại.

Dù trường hợp nào thì câu trên vẫn mang tính triết lý như bạn nhận xét.

Chúc bạn luôn vui.

 


Ngủ rồi Lão Tôn

Trả lời #2 vào: 07-05-2012 10:10:35
Cảm ơn bác Baron vì bài viết. Chúc bác sức khỏe và hạnh phúc!

Có việc này tôi có ý nhờ bác, mong bác sắp xếp thời gian để giải nghĩa, khai minh dùm tôi cái.

Trong một bộ phim khá triết- hơi \\\"khó nhai\\\", tôi thấy có hai nhân vật tranh luận nhau về ý nghĩa cuộc cuộc sống. Trong đó có một câu thoại mà tôi rất thích, nhưng thú thực tôi không hiểu hết tận nguồn ý nghĩa của nó.
Câu thoại như thế này: \\\"Cái ta thiếu cũng quan trọng như cái chúng ta đang có.\\\"

Mong bác Baron giúp nhé tôi nhé. Cảm ơn bác!

 


Ngủ rồi banron

Trả lời #1 vào: 07-05-2012 00:32:51
Lão Tử cùng thời với Khổng Tử, sống cách chúng ta 2.500 năm, được xem là vị sáng lập Đạo giáo. Người đời sau thần thánh hóa Lão Tử thành Thái Thượng Lão Quân. Tương truyền chính Khổng Tử rất nể trọng Lão Tử, gọi ông là con rồng, không dễ hiểu được.

“Đạo Đức Kinh” là trứ tác của Lão Tử để lại trước khi quy ẩn vỏn vẹn chỉ có 5.000 chữ nhưng suốt mấy trăm năm qua, đó là đề tài nghiên cứu cho biết bao nhieu học giả trên thế giới. Ít có tác phẩm nào giống như vậy, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Tôi thấy trong các bản dịch và chú giải ở nước ta, cuốn “Lão Tử-Đạo Đức Kinh” của Nguyễn Hiến Lê hay nhất vì ông giải thích cặn kẽ cho người đọc từ lịch sử hình thành đến ý nghĩa triết học của tác phẩm.

Lời văn trong “Đạo Đức Kinh” quá súc tich, cô đọng, nhiều chỗ thực sự khó hiểu. Bù lại, ý nghĩa thực tiễn và lợi ích cũng xứng với công đọc nó. Nhiều câu đã trở thành thành ngữ. Trong bài này tôi mời các bạn xem lại một câu ngắn gọn, chỉ có 4 chữ mà ý nghĩa sâu xa: “công thành thân thoái” (xong việc rồi thì hãy rút lui). Câu này được xem là đạo của trời đất, nguyên văn cả đoạn như sau:

“Trì nhi doanh chi, bất như kì dĩ, suỷ nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo. Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ. Phú quý nhi kiêu, tự di kì cữu. Công thành thân thoái, thiên chi đạo”

“Giữ chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi. Mài cho bén nhọn thì không bén lâu. Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi. Giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời”. (Lời dịch của Nguyễn Hiến Lê)

Nhưng thành công đang tăng tiến thì thừa thắng xông lên chứ làm sao ngưng được? Quyền uy nắm trong tay, tiền bạc chảy vào như suối sao lại bảo phải rút lui? Trớ trêu thay, đó lại là sự thật đã được chứng minh nhiều lần trong lịch sử.

Thời Xuân Thu nước Việt và nước Ngô đánh nhau. Bên Việt có hai công thần là Văn Chủng và Phạm Lãi theo giúp Việt Vương Câu Tiễn. Nhờ hai vị danh tướng ấy mà Câu Tiễn rửa được cái nhục ở Cối Kê, đánh bại Phù Sai. Sau khi thành công, Phạm Lãi từ quan (nghe nói cùng với Tây Thi biệt tích giang hồ, nhưng thuyết này không vững. Theo Sử Ký thì sau khi bỏ đi ông trở thành thương gia giàu có, gọi là Đào Chu Công). Trước khi đi có để lại cho Văn Chủng lời nhắn “Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; Cao điểu tận, lương cung tàng; Địch quốc phá, mưu thần vong” (Thỏ chết rồi thì chó săn bị luộc; chim không còn thì cung vứt vào xó; giặc đã tan thì mưu thần phải chết!). Văn Chủng tin lời nhưng đã muộn, dù cáo bệnh không tham gia chính sự triều đình vẫn bị Câu Tiễn giết.

Đến thời Hán Sở tranh hùng. Hạng Vũ là vua nước Sở đối đầu Lưu Bang là vua Hán tranh nhau thiên hạ. Xét về tài thì Hạng Vũ hơn hẳn Lưu Bang nhưng Lưu Bang nhờ có nhiều tướng giỏi, đặc biệt là Trương Lương và Hàn Tín nên cuối cùng diệt được Sở lập ra nhà Hán. Trương Lương học sách của Lão Tử, noi gương Phạm Lãi cáo bệnh về nơi hẻo lánh mà bảo toàn tính mạng còn Hàn Tín thì quá tự tin vào tài sức của mình nên sau cũng bị giết.

Ta nên biết Lão Tử viết câu này trước chuyện Việt Vương Câu Tiễn gần 100 năm, trước chuyện Lưu Bang hơn 300 năm. Quả là một triết lý phi phàm. Công thành thân thoái, xong việc lớn thì lui về để giữ trọn thanh danh là một lời khuyên ngắn ngủi mà khó theo. Khó theo vì không ai muốn từ bỏ thành công sau bao tháng ngày gian khổ. Có lẽ vì chúng ta chỉ là hạng thường nhân, không đủ ý chí để thắng bản thân dù từng thắng thiên hạ. Hóa ra nhận thức bản thân là việc khó hơn hết, như Socrates - nhà hiền triết Hy Lạp - đã nói: “Hỡi nhân loại, hãy học để tự biết mình!”, tự cổ chí kim mấy ai làm được việc đó.