Tác giả Chủ đề: Nguyên lý của việc cầu tài lộc  (Đã xem 1894 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi be-buti

Trả lời #1 vào: 20-10-2015 09:01:28
NGUYÊN LÝ CỦA VIỆC CẦU TÀI LỘC :
TRÍCH PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 52)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền


Người thế gian cầu tài, tài có thể cầu được không vậy? Chắc chắn có thể cầu được. Nhà Phật thường nói: “Ở trong cửa Phật, có cầu ắt ứng”, nhưng bạn phải biết đạo lý, nó có nhân quả, gieo dưa thì được dưa, gieo đậu thì được đậu, bạn tạo là nhân gì thì bạn sẽ được quả báo như thế ấy. Phật nói cho chúng ta biết, nhân của giàu có là bố thí. Người ưa thích bố thí thì được tiền của nhiều, người tham lam keo kiệt thì quả báo bần cùng.
Chúng ta thấy, xã hội ngày nay có rất nhiều người, đặc biệt là ngành thương mại, tập đoàn thương mại lớn của giới công thương, họ sở hữu tiền của ức vạn. Tiền của ức vạn này, nguyên nhân gì mà có vậy? Là trong đời quá khứ họ tu bố thí nhiều. Chúng ta nói, trong số mạng của họ có tài, cái tài này không phải do trời sinh, vì trời sinh thì phải mỗi người đều giống nhau. Tại sao mỗi người đều không giống nhau vậy? Do nhân mỗi người tạo không giống nhau, họ bố thí nhiều thì trong số mạng họ tài nhiều. Trong số mạng có tài thì bất kể làm ngành nghề nào họ cũng đều phát tài. Họ làm ngành nghề kinh doanh, đó là duyên, trong số mạng của họ có nhân, nhân cộng thêm duyên thì quả báo liền hiện tiền, sự việc là như vậy. Nếu như trong số mạng không có nhân giàu có, dù họ đi học, đi làm ngành nghề kinh doanh giống người khác, nhưng người ta kinh doanh phát tài, còn họ kinh doanh lỗ vốn, đó là do trong số mạng không có tài.
Quí vị đọc qua Liễu Phàm Tứ Huấn sẽ biết ngay, “một giọt nước, một hạt cơm đều do tiền định”. Ai định cho bạn vậy? Tự mình định, không phải người khác định, đây mới thật sự là công bằng. Sau khi hiểu rõ đạo lý này, trong số mạng của đời này thiếu tài, chúng ta cũng không nên căng thẳng. Hiện tại chúng ta tu, tu tích cực cũng vẫn còn kịp. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi hiểu rõ đạo lý này, ông tự mình biết được tu nhân, ba loại nhân bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, ông đều tu. Bố thí tài được giàu có; bố thí pháp được thông minh, trí tuệ; bố thí vô úy được khỏe mạnh, trường thọ. Không những bản thân ông làm, mà vợ ông cũng giúp ông làm, cả nhà làm, cho nên vận mệnh của ông mới thay đổi nhanh như vậy. Khi phát tài, bản thân ông hoàn toàn không hưởng thụ. Ông sống đời sống vô cùng vui sướng, tiết kiệm, đem tiền của mà mình tiết kiệm dư được tiếp tục giúp đỡ những người có nhu cầu. Phú quý của ông vĩnh viễn không hưởng hết, đời đời kiếp kiếp không bị quả báo bần cùng. Ông hiểu được đạo lý này, biết được phương pháp, như lý như pháp mà cầu, có cầu ắt ứng.
Có một số người trong đời quá khứ được tiếp xúc lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, được tiếp xúc Phật pháp, họ chịu tu, nên đời này có được quả báo. Sau khi quả báo có được rồi, nhưng chưa chắc gặp được thánh nhân, chưa chắc có thể gặp được lời giáo huấn của thánh hiền, Bồ Tát. Không gặp được thì đời này chỉ biết hưởng phước, chứ họ không biết tiếp tục không ngừng tu thêm. Điều này rất đáng tiếc. Sau khi phước báo đời này hưởng hết rồi, đời sau sẽ không bằng đời nay, mỗi lúc một tệ thêm, đời sau không bằng đời trước. Từ đó cho thấy, giáo huấn của thánh hiền là quan trọng hàng đầu, không có gì quan trọng hơn điều này.
Trong tất cả bố thí thì bố thí pháp là đệ nhất, trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm hạnh nguyện Phổ Hiền nói rất rõ ràng. Chúng ta biết được đạo lý, cũng biết được phương pháp, vậy mới cố gắng nỗ lực tu học, quả báo ngày càng thù thắng. Quả báo hiện tiền, trong Phật pháp gọi là hoa báo, quả báo ở đời sau. Hoa báo tự mình đã cảm thấy thù thắng như vậy, thì quả báo có thể nghĩ mà biết được. Giống như thực vật vậy, ra hoa trước, kết quả sau. Chúng ta nhìn thấy thực vật ra hoa, hoa ra tốt là có thể dự đoán tương lai kết quả nhất định vô cùng mỹ mãn. Cho nên, nhà Phật dạy chúng ta lìa khổ được vui, lời nói này là chân thật, không phải giả. Những lời này đều là nói về thế gian, quả báo của thế gian không phải cứu cánh, nhưng đại đa số người thế gian ham muốn quả báo thế gian. Phật Bồ Tát là người hiểu biết, những Thánh triết xưa nay trong ngoài cũng đều là người hiểu biết, họ có thể quan sát căn cơ của chúng sanh. Bạn ham muốn phú quý thế gian thì giúp đỡ bạn thỏa mãn nguyện vọng của bạn, khiến bạn sinh tâm hoan hỷ. Bạn có thể sinh tâm hoan hỷ đối với thánh hiền thì bạn mới thích gần gũi họ, bạn mới sẵn lòng tiếp nhận lời giáo huấn của họ. Tất nhiên họ ở trên nền tảng hiện có của bạn mà giúp đỡ bạn thăng hoa lên thêm. Phú quý nhân gian rất tốt, nhưng phú quý trên trời còn thù thắng hơn.