Tác giả Chủ đề: Tác phẩm:Người bệnh cuối ngày - BS Lê Đình Phương  (Đã xem 3172 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi ice box

Note trước khi đọc bài: BS Lê Đình Phương chính là Dr. Nikonian-Người thích tự do và lang thang như gió. B)

Người bệnh cuối ngày



Tháng Mười 23, 2009
Một chuyện ghi ở bệnh viện

Chiều muộn, máy tính đã tắt, cô thư ký đã thu dọn xong đám bệnh án bề bộn của một ngày bận rộn. Về thôi, quá đủ cho một ngày tất bật rồi!

- Có một bệnh nhân cần gặp BS gấp, em cho vào nhé?

- Trời đất, sao mà đến trễ quá vậy! Làm hồ sơ đi (thở dài)

….

Đã lâu lắm rồi, tôi vẫn chưa quên được nét mặt của người phụ nữ phương Tây đang ngồi trước mặt mình hôm đó.Thờ thẫn, mệt mỏi, xanh xao cùng cực! Nhưng L.-hãy tạm gọi bà ấy là L.* – đã khai bệnh với tôi bằng một giọng rành rọt, khúc chiết từng tiếng một:

- Bác sĩ, tôi bị bệnh X, đang dùng thuốc Y này, BS của tôi đã kê toa cho tôi trong nhiều năm

- Tôi không thể tìm được thuốc này ở Việt nam. Xin refill (kê toa tiếp) và chỉ giúp cho tôi nơi nào có thể mua được thuốc này

- Tôi mệt mỏi quá!

Im lặng hồi lâu…

Đúng vậy, món thuốc mà người phụ nữ cần đến, vốn cực kỳ hiếm hoi trong thị trường dược phẩm bát nháo của Việt nam. Mà đã dùng thuốc này, thì không thể thiếu nó được, dù chỉ một ngày. Thật may, sau một hồi gọi điện thoại tứ tung, tôi tìm được một nhà thuốc có bán loại này.

- Toa thuốc của bà đây, tôi chỉ refill đúng thứ bà cần. Hãy đến địa chỉ này để mua nó.

Chỉ thế thôi, case bệnh cuối ngày dường như không thể đơn giản hơn. Không cần động não làm chẩn đoán, không cần vắt óc ra xem xét các xét nghiệm, không cần cân chỉnh liều thuốc. Tất cả những gì tôi làm, là kiểm tra lại toa thuốc và chẩn đoán trước đó của một đồng nghiệp, và kê lại toa thuốc đã cho. Người đàn bà ấy cần toa thuốc và chữ ký của tôi để mua thuốc, vậy thôi!

Nhưng chuyện không chỉ ở đó, nếu như sau lời dặn dò tái khám như thông lệ, tôi nghe được một câu khẽ khàng, nhưng nặng trĩu và buồn thảm lạ thường:

- Tôi sẽ quay lại khi cần, dễ thôi. Vì chồng tôi đang nằm viện ở đây, thưa bác sĩ.

- Chồng tôi đang chết (?)

Sẽ chẳng bao giờ, tôi quên được ánh mắt đau đớn nhưng đầy ắp yêu thương của người đã nói câu đó, một cách điềm tĩnh lạ lùng như vậy. Bà ta không bịa chuyện. Chỉ google chưa đầy một phút, tôi đọc được vô số tin về câu chuyện tình của bà ta, một nữ đạo diễn Pháp, với một người đàn ông Việt nam, kém bà 5 tuổi. Họ cùng làm việc thiện nguyện, rồi yêu nhau…như trăm ngàn tình yêu sáng nở tối tàn trên cõi đời này.

Nhưng người đàn ông mắc bệnh ngặt nghèo sau khi họ yêu nhau. Mặc, người đàn bà vẫn yêu, vẫn hết lòng chăm sóc, cùng người mình yêu chiến đấu với tử thần. Cuộc chiến thầm lặng, can đảm và khốc liệt đó, nở hoa bằng một đám cưới ngay trong bệnh viện, khi người đàn ông đang đếm những ngày cuối cùng của đời mình trên giường bệnh.

Hãy kể cho tôi một câu chuyện nào khác, cảm động và vĩ đại hơn tình yêu của hai con người này?

Tôi không được may mắn tham dự đám cưới của họ. Tôi không được cầm máy ảnh, ghi lại những khoảng khắc mà tình yêu mạnh hơn sự chết đó. Tất cả những gì tôi làm, chỉ là một bó hoa nhỏ. Để bày tỏ lòng kính trọng và khâm phục. Chỉ thế thôi!

Không gì lớn lao, cao siêu, vĩ đại trong bó hoa của tôi cả. Cũng như cái toa thuốc kê lại từ một đồng nghiệp khác.

Vậy mà, ngay hôm sau, tôi nhận được một tấm thiệp cưới gởi muộn của họ, với nét chữ rắn rỏi, không hề run rẩy của người vợ:



“BS thân mến,

Cảm ơn rất nhiều vì món quà và những suy nghĩ tốt đẹp của ông

Chúng tôi thật may mắn vì chung quanh là những người đáng yêu, quảng đại như ông”

Hai ngày sau, người chồng qua đời. Không có kết cục nào khác, với căn bệnh hiểm ác này.

“Đáng yêu”, “quảng đại”, ‘tốt đẹp”…Không, thưa bà. Xin bà cho phép tôi, được dùng những từ ngữ này để dành cho tình yêu đẹp đẽ, cuộc chiến đấu với tử thần đầy can đảm của ông bà. Xin bà, hãy cho tôi nói một điều: chính bà, chính tình yêu của ông bà, đã dạy cho chúng tôi một điều vô cùng lớn lao mà đơn giản: khi cho là đã nhận, khi yêu thì còn quí giá hơn là được yêu.

Xin đừng cảm ơn tôi. I just do my job- tôi chỉ làm công việc của tôi. And you pay for it – và bà đã trả tiền cho việc đó. Có chi cao xa, phức tạp nếu như tôi dành thêm dăm phút vào cuối giờ làm việc, chỉ để sao lại một toa thuốc mà bà đã dùng? Có chi ghê gớm, nếu như có chữ ký của tôi, bà mới mua được loại thuốc bà cần? Mọi đồng nghiệp khác của tôi, đều sẽ làm như thế cho bà, thưa bà L. đáng kính trọng! Không có tôi, cũng sẽ có người khác làm.

Điều nhỏ nhoi đó, tôi đã làm đúng lúc bà cần.

Nhưng lời cảm ơn của bà, đã dạy tôi một bài học lớn lao khác: Chính trong lúc nguy nan, khi lòng ta tuyệt vọng, khi tim ta mệt mỏi, thể xác ta chán chường. Thì chỉ cần một ngón tay đưa ra, một cử chỉ thông cảm, một ánh mắt ân cần từ một người khác, lại quí giá với ta biết chừng nào!

Cái tôi không hề đáng ghét, nếu như cái tôi của mỗi chúng ta luôn tìm đến sự sẻ chia từ một kẻ khác, một đồng loại!

Tôi học điều lớn lao ấy từ bà, để tự răn mình đừng bao giờ hà tiện lòng chia sẻ. Để tự trách mình, có những lúc để lòng chật hẹp.

Vì sẽ có lúc, tôi cần đến một bàn tay đồng loại, như bà vậy, thưa người- bệnh- nhân- không -bao -giờ -quên- được của tôi!

—————————–

* Để tôn trọng sự riêng tư, xin không tiết lộ danh tính và bệnh tật của những nhân vật trong câu chuyện có thật này.

Dr Nikonian

——–

HNX: Câu chuyện trên trích tập bút kí “Người bệnh cuối ngày” của bác sĩ Lê Đình Phương. Xin được mượn lời mở đầu của tác giả để giới thiệu cuốn sách với bạn đọc:

10/10/2009
Lời nói đầu
Tuổi trẻ của tôi đã trôi qua giữa bốn bức tường gạch men trắng toát của phòng hồi sức. Nơi đó, xanh xao ánh đèn neon! Nơi đó, chỉ có tiếng phì phò của máy thở, tiếng rên rỉ thều thào của bệnh nhân tôi. Nơi đó, cái chết nhiều hơn sự sống. Nơi người ta đã học được một điều từ khi còn rất trẻ: rằng đời người chỉ là một chớp mắt giữa thiên thu!
Nơi chốn hiện tại, chỗ tôi ngồi khám bệnh mỗi ngày, có một khung cửa kính. Qua khung cửa đó, bao nhiêu mây trời đã thoảng lướt qua? Bao mưa rào nắng hạ đã đổ bóng qua khung cửa này, tôi cũng chẳng nhớ? Bao nhiêu mặt người đã bước qua khung cửa phòng tôi, đau đớn, rầu rĩ, kêu than, hoan hỉ, hy vọng, sụp đổ…, tôi cũng không đếm được. Chỉ biết đó là cuộc đời đa diện với biết bao buồn vui của con người, đã trôi qua cánh cửa phòng này, theo cách thức mà nghề nghiệp nặng nhọc và kỷ luật đòi hỏi. Như cuộc sống của một thầy thuốc ở mọi thời!
Những mặt người với bao chuyện buồn vui đó, đã là phù sa trong ký ức tôi, bồi đắp qua nhiều năm tháng. Tôi đã nghe, đã nghiêng lòng xuống trên vô số phận người, theo cách mà nghề nghiệp đòi hỏi. Nghĩa là chỉ lắng nghe, mà không phán xét. Đến nỗi nhiều khi cũng phải giật mình tự hỏi, tại sao chỉ cần ngồi một chỗ, người ta có thể học, nghe và biết được nhiều đến thế, qua những phận người đã trôi lướt qua một phòng khám bệnh phẳng lặng?
Nhưng cũng có lúc, thoát ra ngoài bốn bức tường phòng khám bệnh, tôi lại lầm lũi một mình ở những nơi chốn thật xa. Nơi ấy, không có bạn bè, không chút thân quen. Nơi ấy, kẻ bộ hành rảo bước với ba lô laptop máy ảnh, không bầu rượu túi thơ với “dăm chú tiểu đồng theo lếch thếch” (Nguyễn Công Trứ). Mà cũng lạ thay, ở những nơi chốn lạ lẫm ấy, những điều chất chứa trong lòng lại trào lên, không thể cưỡng lại mà không ngồi vào bàn, bật máy mà gõ thật nhanh… Đó là cách những trang bút ký du lịch của tôi ra đời, theo cách thức kém chuyên nghiệp nhất. Vì tôi đã nặng nhọc, vất vả mà viết ra chúng chỉ sau nhiều năm trở về nhà, cho đến khi ký ức đường xa chín tới, bật tung thành con chữ dưới ngón tay bàn phím. Bút ký tôi là những hồi ức ghi nhanh không chủ đích, sau nhiều năm tháng nghĩ chậm, rất chậm.
Bài viết đầu tiên của tôi đã thành giấy mực trên báo cũng đã 10 năm có lẻ. Từ dạo ấy, thỉnh thoảng những trang viết của tôi lại hình thành. Có cái chỉ để đọc một mình. Có cái chỉ gởi cho bạn bè cùng chia sẻ. Có cái chỉ là những suy nghĩ mọn, những trăn trở về bao điều ngổn ngang trước mắt. Người thầy thuốc, chuyên chú với nghề mình, chẳng thể đội đá vá trời mà thay đổi nhật nguyệt càn khôn. Biết thế, nhưng vẫn phải viết, khi lòng thôi thúc…
Chắt lại một lần, lọc lại một lần để có cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Mười năm đã qua, tôi mừng khi đọc lại những trang viết của mình, thấy lòng vẫn đầy ắp cảm xúc như khi viết chúng. Tôi sẽ hân hoan biết bao, nếu người đọc tôi, cùng chia sẻ cảm xúc ấy, hơn là khen tặng tôi, như một gã thầy thuốc với dăm “bài văn tốt, câu thơ hay”. Được cái tình tri ngộ như thế, cũng đáng công tôi liều lĩnh để in cuốn sách này, với bao nhiêu giúp đỡ của bạn bè thân hữu mà muôn vạn lời cảm tạ vẫn là điều thiếu sót.
Sài Gòn, tháng 7.2009

Lê Đình Phương

Chép lại từ blog Ha Noi Xanh (xuantruonghnx)