Chạm tay vào nước mắt
Khi cầm tờ đơn trình bày hoàn cảnh éo le với mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm trong xã hội của Hoàng Thị Thu Thủy, sinh năm 1980 tại thôn Tam Hiệp (Cam Thủy, Cam Lộ), tôi không sao cầm được lòng mình. Đây là lần đầu tiên trong vô số mảnh đời bất hạnh mà tôi đã gặp, thấu hiểu tường tận về hoàn cảnh khó khăn làm tôi rơi lệ, và cảm nhận mồn một tay mình đã chạm vào nước mắt chảy dài nhiều năm trong phận đời Thu Thủy…
Đặt chân đến xã Cam Thủy, chúng tôi được người dân ở đây kể tường tận trong lòng thương xót đối với hoàn cảnh gia đình Hoàng Thị Thu Thủy, sống trong căn nhà nhỏ bé, thiếu thốn mọi thứ sinh hoạt, nợ nần chồng chất, và đặc biệt bệnh tật “thường trực” hành hạ. Thủy kể. Ngày trước, gia đình Thủy cũng có được hạnh phúc giản dị như bao gia đình khác. Ngày ngày ba mẹ Thủy đi làm nông, làm thuê, làm mướn, còn 3 chị em Thủy được đến trường, đến lớp, làm công việc nhà, chăm sóc bà nội hay ốm đau vì bệnh tật và tuổi già. Đêm đến, cả gia đình quân quần bên nhau, nói cười hạnh phúc. Cuộc sống tuy khổ cực nhưng hạnh phúc, ít nhất Thủy cũng nghĩ thế, nếu như…
Năm 1988, bà Lê Thị Mai, mẹ Thủy đã ra đi vĩnh viễn sau nhiều năm lao tâm, lao lực dẫn đến sức cùng, lực kiệt vì sự nghèo khổ và bị bệnh tim hành hạ. “Ngày đó, cả nhà thương mẹ lắm, muốn mẹ nghỉ ngơi, nhưng mẹ không chịu, bởi cả ba và mẹ làm việc mà cuộc sống gia đình đã khó khăn, nếu mẹ mà không đi làm nữa thì… Vậy là mẹ đành cắn răng chịu đựng, ngày làm việc, tối đến la thét, vật vã chống chọi với bệnh tật. Mẹ bảo, mẹ chịu đựng được, rồi bệnh cũng qua, thuốc men làm gì cho tốn, để tiền đó lo cho tương lai các con. Sau nhiều năm vật lộn với bệnh tật, mẹ đã trút hơn thở cuối cùng. Nếu gia đình nếu gia đình có điều kiện, chắc mẹ đã không bỏ chúng em ra đi…’, Thủy lấy tay lau vội nước mắt. Từ ngày bà Mai mất, cuộc sống gia đình Thủy đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ba chị em Thủy phải bỏ học, sớm bước vào đời mưu sinh ở xứ người. Ngày tháng dần trôi, ba chị em Thủy lớn lên trong đời mưu sinh nhọc nhằn, vất vả. Người chị đầu và đứa em gái đi lấy chồng, còn Thủy lại không. Không phải Thủy không muốn có một gia đình, nhưng vì định mệnh đã cướp đi ước mơ đó vào năm 2004, trong lúc làm việc, Thủy bị ngất đi. Tỉnh dậy, thấy mình năm trên giường bệnh, và khi biết mình mang căn bệnh tim quoái ác, Thủy chợt nhớ phận đời người mẹ xấu số… Bao nhiêu tiền nhọc nhằn tích cóp lo cho tương lai, Thủy dồn hết tiền thuốc thang, viện phí nhưng bệnh tật vẫn không khỏi. “Khi biết mình bị bệnh tim, em xin bà chủ được làm việc nhẹ hơn. Nhưng mọi việc cũng không suôn sẻ, em thường xuyên bị mất trong lúc làm việc. Và đỉnh điểm là lúc đang làm việc, em bị ngất đi, mọi người kịp thời đưa em vào Bệnh viên đa khoa Quảng Ngãi. Tại đây, các bác sỹ bảo chắc chắn em đã chết, và báo cho người thân lo chuyện hậu sự. Ở quê, ba em đã chuẩn bị mọi thứ từ dựng rạp, đặt hòm và chờ xe chở em ra quê… May thay, em đã sống trở lại và trở về quê bằng con người có linh hồn và thể xác”, Thủy cười trong nước mắt. Sau lần trở về từ cõi chết ấy, cuộc sống của Thủy vẫn tiếp tục chìm đắm trong nỗi đau bệnh tật. Tôi tiếp tục đắng lòng khi nghe câu chuyện bệnh tật hành hạ Thủy như cơm bữa. Cuộc sống khó khăn nên khi biết mình bị bệnh tim thường xuyên hành hạ, Thủy vẫn tiếp tục làm việc. Bởi nếu không làm thì lấy gì ăn để sống, để có tiền chữa bệnh…
Cuộc sống gia đình đã khó khăn, vậy mà họa vô đơn chí, trong một lần đi làm ruộng, vì rét, vì đói, ông Hoàng Văn Hòa, ba Thủy ốm nặng, nằm liệt giường. Trận ốm ấy đã làm cho cánh tay trái, chân trái bị liệt, cướp đi toàn bộ chút sức lực còn lại trên cơ thể già nua của ông. Hai đứa con gái của ông cũng gửi tiền về giúp phần nào, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm thuê, làm mướn ở xứ người, và thường bị bệnh tim hành hạ. “Thấy hoàn cảnh gia đình em khó khăn, nên bà con làng xóm thương tình mảnh đất tốt, rồi cày sẵn, cho thêm giống bắt để trồng. Khi đến thu hoạch, em cảm thấy có chút sức khỏe và không muốn làm phiền mọi người, vì họ đã giúp gia đình em quá nhiều. Khi em đang hắt từng quả ngô vào lúc chiều tối thì trời đất như hòa làm một, tối đen như mực… Tỉnh dậy, em thấy mình nằm trên gường bệnh viên. Nghe mọi người kể lại, em ngất đi và cứ tưởng em đã chết rồi”, Thủy lặng lẽ quay mặt vào tường, thương xót phận mình. Nghe đến đó, trái tim tôi như vỡ nát và tự hỏi, liệu may mắn đó có thể mĩm cười với Thủy nữa hay không. Và không biết bao nhiêu lần Thủy gặp cảnh đó và liệu may mắn đó có mãi mĩm cười với phận đời Thủy hay không? Từ khi hai cha con bệnh chồng trên bệnh, cuộc sống luôn trông chờ vào những tấm lòng hảo tâm của bà con làng xóm. Nhà có làm gần hai sào thì tất tần tật các khâu từ cày cấy, chăm sóc, đến thu hoạch, đưa lúa vào bao đều thuê mọi người làm, nuôi được mấy con gà cũng lâu lớn bởi cơm ăn còn chưa có, lấy đâu nuôi nó… Vậy là nhờ vào các chế độ ữu đãi cho người nghèo nên gia đình Thủy mới tồn tại đến hôm nay. Nhưng cứ định kỳ hàng tháng, Thủy phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền vào Huế mua thuốc. Ăn chưa đủ nên hai cha con Thủy ngày càng ốm tong teo.
Hôm chúng tôi đến, nghe Thủy kể chuyện được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, các tấm lòng vàng hỗ trợ số tiền đi mổ tim, nhưng gia đình góp thêm 20% trong số tiền gần 100 triệu đồng cho ca mổ. “Số tiền đó là quá sức với gia đình em, em chỉ mong rằng, tiếp tục nhận được sự động viên và giúp đỡ từ những tấm lòng, hảo tâm trong xã hổi, để em có thể mổ tim, có được sức khỏe, chăm sóc cha lúc già yếu”. Chúng tôi ra về mà lòng trĩu nặng, cứ lo lắng mãi cho hai cha con Thủy sẽ xoay sở như thế nào đây những lúc trái gió trở trời khi không có những người lành lặn bên cạnh để giúp đỡ. Mong sao, thông qua bài viết này, mong muốn các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp khắp mọi miền trên đất nước hãy chung tay giúp đỡ gia đình Hoàng Thị Thu Thủy vượt qua khó khăn trước mắt, có được nụ cười hạnh phúc trong vô vàn sóng gió cuộc đời…
(Ghi chú: Tại đây là cơ quan luckystar làm nên luckystar biết tờ đơn này)