Tác giả Chủ đề: Nhân Sinh Quan  (Đã xem 16138 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi DTam

Trả lời #4 vào: 24-06-2013 13:02:20
Hôm nay mới có thời gian vào DĐ . Thật thú vị được đọc đề tài này . Cám ơn HMHai

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #3 vào: 03-06-2013 23:39:16
Viết theo đề nghị của Thu Huệ bên FB

Trong bài Note “Nhân Sinh Quan” tôi có viết “Sức khỏe đủ dùng suốt đời” và “tiền bạc cũng đủ dùng suốt đời”. Quan điểm này khiến vài bạn thắc mắc và Thu Huệ đã nêu lên. Tôi xin trình bày thêm vài ý cho rõ.

-       Sức khỏe đủ dùng suốt đời:

Maxim Gorki đã nói câu này thông qua nhân vật “Bà lão Idecghin” trong truyện ngắn cùng tên. Bà lão đã nói như thế trong khi kể câu chuyện đời mình.

Sử dụng ý này trong bài Nhân Sinh Quan, tôi muốn nói với những người luôn cảm thấy mình thiếu sức khỏe, những người đang mang tâm trạng bi quan. Đúng, sức khỏe là quan trọng nhất và theo logic thông thường ai cũng thấy thiếu chứ không hề nghĩ rằng nó thực sự đủ dùng cho mỗi người dù đời bạn ngắn hay dài.

Thường người ta có lý do chính đáng để bi quan như thế. Chẳng hạn, có người nghĩ mình thiếu sức khỏe vì bị mất một cánh tay hay mất cả đôi chân. Những người không mất tay chân cũng thấy thiếu sức khỏe vì mang căn bệnh đau bao tử, huyết áp cao hay bệnh tiểu đường.

Bây giờ mình thử xem sức khỏe của Nick Vujcic thế nào? Anh có khỏe hơn chúng ta không? Anh di chuyển từ nước này sang nước khác, nói chuyện mỗi lần suốt 2 giờ đồng hồ có mệt hơn chúng ta không? Với cơ thể của người không có tay chân, chắc chắn lượng máu lưu thông trong hệ tuần hoàn của anh ít hơn chúng ta, và ta không thể nói rằng Nick có sức khỏe hơn chúng ta được.

Ta có cảm giác Nick đủ sức khỏe để làm việc. Nếu Nick đủ sức khỏe thì ta cũng vậy.

-       Tiền bạc đủ dùng suốt đời:

Chuyện này còn khó nói hơn. Thiếu tiền là vấn đề toàn cầu. Người nghèo thấy thiếu đã đành mà người giàu theo tôi biết nhiều khi họ còn “kẹt tiền” hơn. Mức độ nghiêm trọng của cái cảnh người giàu chạy tiền có lẽ phải nặng nề ghê gớm nên ta mới thấy họ bị stress tới mức muốn nhảy lầu tự tử.

Nhưng nếu tính kỹ thì cơm áo gạo tiền chiếm bao nhiêu phần trăm tổng nhu cầu tiêu xài của nhân loại? Ta thực sự đau khổ vì cái ta muốn nhiều hơn cái ta cần, và cái muốn đó lại hầu như không có giới hạn.

Có người nói: mình còn phải để dành tiền phòng khi đau yếu nữa chứ! Bộ anh muốn trở thành gánh nặng cho người khác sau này sao? Tôi rất ủng hộ suy nghĩ sâu sắc đó. Không theo lời khuyên ấy có thể mai kia tôi sẽ gặp khó khăn khi hết làm ra tiền. Vấn đề là ở chỗ ta để cho cái tư tưởng phòng xa tốt đẹp đó ảnh hưởng đến con người của ta như thế nào. Cực đoan bên này hay bên kia đều không tốt.

Chịu khó quan sát sẽ thấy chuyện này: đa số mọi người khi chết đi vẫn có chút gia tài để lại cho con cái. Còn con cái thì dường như ai nấy đều cảm thấy số tiền gia tài mình được thừa hưởng là chẳng nhiều nhặn gì. Người được thừa hưởng một chiếc xe gắn máy cũ cảm thấy ít đã đành, người được để lại một căn nhà mặt tiền cũng chẳng lấy làm thỏa mãn.

Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc? (Biết đủ là đủ, chờ cho đủ thì khi nào mới đủ?). Cho nên ai cảm nhận được ý “tiền bạc đủ dùng suốt đời” trước hết phải là người can đảm, không lệ thuộc vào cái xa hoa đời sống, biết phòng xa nhưng không sợ tương lai.

Cánh chim đại bàng nào được xem là đã chinh phục bầu trời trước hết phải từng bay trong giông bão. Cũng thế, bất kỳ ai muốn trở thành người sống có ích cho nhân quần xã hội cũng đều phải trải qua những lúc khó khăn mà hai yếu tố “thiếu sức khỏe” và “thiếu tiền” là điều bắt buộc. Một khi không phụ thuộc vào sức khỏe và tiền bạc (không viện lý do sức khỏe và tiền bạc cho bất kỳ hoàn cảnh nào), ta thực sự sở hữu một nhân sinh quan hợp lý, giúp vượt qua tất cả những thăng trầm bất định của đời người.

-       Đôi điều nói thêm:

Bài Note “Nhân Sinh Quan” được nhiều người post lại trên những trang khác. Trong số đó mấy bài quên để chữ “sưu tầm”. Có người lại đem bài này ghép chung với bài của một tác giả khác (là nhà sư) làm thành bài thứ ba kiểu 2 trong 1. Rồi trong phần comment họ tự trả lời những câu hỏi của người đọc. Tôi hy vọng nếu bên đó có câu hỏi tương tự như câu này của Thu Huệ thì họ cũng tham khảo bài này để trả lời tương tự như tôi.

Chúc cả nhà vui.

P/S: Nhân tiện mời các bạn xem lại bài viết dưới đây mà cảm phục cặp đôi Mã Lệ - Trạch Hiếu Vĩ vì lòng kiên trì hiếm thấy.

http://www.facebook.com/notes/manh-hai-hoang/zehniyat-b%C3%A0i-h%E1%BB%8Dc-v%E1%BB%81-h%E1%BA%A1nh-ph%C3%BAc/354907041202881

 


Ngủ rồi KevinHieu

Trả lời #2 vào: 13-12-2010 17:31:56
Nhân sinh quan của Kevin được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu tác phẩm Lâm Tế Lục của tổ sư Lâm Tế cùng với phần bình giảng của thiền sư Nhất Hạnh về kẻ Vô Sự.

Trong một góc độ hẹp về công việc giúp đời độ người của một kẻ Vô Sự, cái hiểu của Kevin là kẻ đó phải trả lời  \\\" KHÔNG \\\" đối với hai câu hỏi :

1. Bạn có thấy vui sau khi làm được một việc thiện ?
2. Bạn có khi nào từng tự hỏi tại sao việc thiện này chỉ có một mình ta làm mà người khác không làm ?

Thân,

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #1 vào: 09-12-2010 09:09:50
Chúng ta, tất cả - không trừ một ai, đều đang rảo bước trên con đường nối liền hai bến tử - sinh.

Con đường xa vút ấy đi ngang qua bệnh tật, đói nghèo, đi ngang qua nhà tù, lửa đạn, đi ngang qua danh dự, vinh quang, đi ngang qua thấp hèn, tủi nhục.

Lữ khách trên con đường đó, có người dựa vào triết lý vạn sự tùy duyên, có người tôn sùng lý tưởng, có người đề cao chủ nghĩa cá nhân, có người noi gương tinh thần bác ái.

Ta tôn trọng tất cả lựa chọn và chân thành nghĩ rằng mọi người đều mong những điều tốt đẹp đến với nhau. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực hành có một khoảng cách lớn mà để vượt qua thì trước tiên là cần phải học.

Học ở Thầy, học ở Bạn, học ở trường và học ở nhà. Học để biết làm việc và nghỉ ngơi. Quan trọng hơn cả là học để có một Nhân Sinh Quan.

Triết lý tạo ra nhân sinh quan. Tiếc thay, gần đây hình như không ai dành nhiều thời gian cho môn Triết. Những vị Socrates, Platon, Aristotle, Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Francis Bacon, Spinoza, Kant… xa hút tầm mắt đối với nhiều người. Những nhà văn có tư tưởng triết gia như Lâm Ngữ Đường, Tolstoi hay Nguyễn Du cũng ít ai nghiên cứu, nên kiến thức nghèo nàn.

Vốn sống cũng là điều cần thiết. Muốn có vốn sống phong phú thì phải sống nhiều chứ không chỉ sống lâu. Sống nhiều là quan sát, lắng nghe, tìm tòi, tham gia, chia sẻ còn sống lâu chỉ là sinh sớm và chết muộn mà thôi.

Markxim Gorki nói: “Sức khỏe đủ dùng suốt đời”. Thấm nhuần tinh thần ấy ta cũng có thể nói thêm: “tiền bạc cũng đủ dùng suốt đời”, và đời không chỉ là một nỗi lo.

Hãy bắt đầu bằng một Nhân Sinh Quan…

Chúc mọi người luôn vui.