Tác giả Chủ đề: Xuân về nhớ bài thơ của Lý Bạch  (Đã xem 5065 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi HMHai

Trả lời #3 vào: 08-02-2013 22:54:50
Khi đăng bài này bên Facebook, bạn Vy Nguyen có comment hỏi. Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình thêm dưới đây.

Vy Nguyen hỏi: “Em dốt thơ, không hiểu đại ý bài này anh Manh Hai Hoang ạ. Có vẻ người này thờ ơ với thế sự hả anh!“.

 
Tình trạng này khá phổ biến hiện nay. Mấy đứa bé nhà tôi cũng thế. Là sinh viên năm nhất rồi nhưng không cảm nhận được một bài thơ hay vì thiếu khả năng cảm thụ văn chương.
 
Nhìn một món ăn ngon, ta muốn ăn vì biết nó ngon; thấy một chiếc áo đẹp, ta muốn mặc vì biết nó đẹp; xem một bức tranh thì sao? Chưa chắc! Cần phải hiểu về nghệ thuật để thích hay không thích. Đọc một bài thơ cũng thế, muốn rung động trước hết phải có khả năng cảm thụ văn chương.
 
Khả năng ấy được dạy trong trường phổ thông từ cấp tiểu học, được nâng dần lên từ khoảng lớp 8, lớp 9 và học sinh có thể hình thành khả năng ấy riêng cho mình khi học xong lớp 12. Với người có năng lực bẩm sinh thì khác, họ thường thể hiện tài năng văn chương thi phú sớm hơn. Nếu hết lớp 12 mà không có khả năng cảm thụ văn chương thì chương trình học phải được xem lại.
 
Lấy một ví dụ: câu “người ấy từng hứa yêu thương tôi, hứa sẽ cùng tôi đi trọn cuộc đời, nhưng bây giờ đã cách xa và có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại…” là một câu mô tả, diễn đạt khá dông dài. Câu ấy có thể thu gọn lại thành “lời yêu thương như nước chảy qua cầu” nhờ cách dùng từ gợi lên hình ảnh, dùng lối ví von. Nhiệm vụ của môn văn là giúp học sinh đọc câu sau mà hiểu ý gần giống như câu trước và trong chừng mực nào đó, cảm thấy rung động hơn. Vậy bạn sẽ nghĩ gì khi gặp những cụm từ ngữ khác như “trọn nghĩa tào khang”, “một đời mưa gió” hay “tím cả chiều hoang”?
 
Quay trở lại bài thơ, ta không nên võ đoán để gán ghép cho rằng tác giả đang nghĩ về ai hay đang muốn kể câu chuyện tình nào (ai cố tình võ đoán thì sẽ nhận ngay danh hiệu “chém gió”). Nhưng ít ra khi “nghe tiếng gió mưa” (phong vũ thanh) hay thấy hoa rụng (hoa lạc) thì phải dấy lên trong lòng một cảm xúc bồi hồi. Hoa rụng dứt khoát không thể là một hình ảnh vui tươi, nó phải gợi lên niềm thương cảm, nuối tiếc xa xôi nào đó. Tiếng mưa gió trong đêm cũng thế, nếu không phải là quá ảm đạm thì cũng mang chút sầu thương.
 
Lý Bạch là tên tuổi lớn nhất trên thi đàn. Cảnh vật đi qua ngòi bút của ông dưới những bài thơ là có thể in vào văn học sử. Thơ 5 chữ của ông xuất sắc đến nỗi khi dịch nó, người ta thường dùng thể thất ngôn hay lục bát để dịch, tức phải cần 28 chữ để diễn cái tình và cái ý chứa đựng trong 20 chữ nguyên gốc của bài thơ.
 
Chẳng hạn, nếu phải dịch bài Xuân Hiểu thành thơ ngũ ngôn (5 chữ) thì tôi sẽ dịch như vầy:
 
Sớm xuân giấc còn thiếu
Nơi nơi tiếng chim kêu
Đêm qua trời mưa gió
Biết hoa rụng ít nhiều.
 
Đó, chỉ chuyển tải ý thôi chứ cái tình của bài thơ thì không diễn nổi.
 
Mai đây đường đời xuôi ngược, gánh nặng áo cơm khi bớt khi đầy, chúng ta sẽ nhận ra tầm quan trọng của sự cân bằng giữa vật chất với tinh thần, giữa khoa học với nhân văn. Ta sẽ thấy lo khi đời sống tinh thần đang ngày dần xuống thấp vì học sinh chỉ chú trọng đến những môn học giúp đi đến thành công mà quên đi những môn giúp hình thành giá trị, tức đi đến “thành nhân”.
 
Tôi nghĩ nếu có thể, mỗi người nên quan tâm đến đời sống tinh thần hơn để cân bằng với đời sống vật chất, mà văn chương, triết học, nghệ thuật, thi ca… là những thành tố căn bản cần học hỏi thêm trước hết.
 
Chúc Vy Nguyen và cả nhà một mùa xuân vui tươi.

 


Ngủ rồi love_noborder

Trả lời #2 vào: 08-02-2013 14:07:53
chào cả nhà,
Thấy dịch vui quá, love_noborder cũng mon men dịch thuật vài câu cho vui:
Xuân đã về đây có ai hay
Chim muôn tung cánh giữa tầng mây
Gió mưa sá gì thân én nhỏ
Một cánh mai vàng rơi đâu đây ...



Không biết bản dịch của love_noborder có làm ông Lý Bạch có buồn không nữa ????
hihihi

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #1 vào: 07-02-2013 22:49:45
春曉
春眠不覺曉,
處處聞啼鳥。
夜來風雨聲,
花落知多少。
 
Xuân hiểu
Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu

 
Bản dịch của Lâm Xương Diệu:
Giấc xuân không buồn thức,
Khắp nơi chim ríu rít.
Đêm qua gió mưa về,
Hoa rụng nhiều hay ít?
(trích từ Wikipedia)
 
Giới thiệu thêm với các bạn các bản dịch thơ khác (trích từ Diễn Đàn www.dantiengtrung.com)
 
Bản dịch của Lê Trọng Nghĩa:
Đêm xuân nồng giấc sáng chẳng hay,
Tiếng chim ríu rít hót gọi bầy.
Đêm qua mưa tuôn cùng gió giật,
Hoa rơi chẳng hiểu ít nhiều đây.
 
Bản dịch củaTương Như:
Giấc xuân, sáng chẳng biết
Khắp nơi chim ríu rít
Đêm nghe tiếng gió mưa
Hoa rụng nhiều hay ít?
 
Bản dịch của Trần Nhất Lang:
Say sưa trong giấc xuân nồng
Nơi nơi trời sáng vang lừng chim ca
Đêm qua có trận mưa sa
Ai hay đã mấy đóa hoa lìa cành.
 
Tiếng Anh cũng có nữa: English version translated by Innes Herdan
 
ASLEEP IN THE SPRING
Asleep in spring I did not heed the dawn
Till the birds broke out singing everywhere.
night, in the clamour of wind and rain,
How many flowers have fallen do you suppose?
 
A SPRING MORNING
I awake light-hearted this morning of spring,
Everywhere round me the singing of birds
But now I remember the night, the storm,
And I wonder how many blossoms were broken.
--------------
Dưới đây tôi xin giới thiêu thêm đôi nét về ông.
 
Lý Bạch (701-762) là nhà thơ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ông sống thời nhà Đường, thời đại được xem là đỉnh cao của văn chương thi phú.
 
Từ nhỏ Lý Bạch đã nổi tiếng là thần đồng, biết làm thơ từ năm 10 tuổi. Lớn lên với chiếc áo trắng và một bầu rượu, ông đi khắp Trung Quốc nên hiểu biết rất rộng. Quan đại thần Hạ Tri Chương tiến cử ông với vua Đường Minh Hoàng. Vua mến tài ông cho làm quan chuyên soạn thảo thư từ. Ông làm việc rất giỏi nhưng chỉ tùy hứng chứ không mẫn cán. Có lần nhà vua sai Lý Bạch viết lời nhạc lúc ông…đang say! Lý Bạch cầm bút viết một hơi 3 bài Thanh Bình Điệu, vua và Dương Quý Phi rất thích.
 
Sau ông bị Cao Lực Sĩ và Dương Quốc Trung gièm pha nên đã phải chạy khỏi triều đình. Trong thời gian đó, có lúc ông buộc phải theo Tiết độ sứ Vĩnh Vương Lân. Viên quan này về sau làm phản. Lý Bạch bị bắt và xử tội chết nhưng nghe nói được Vương Chi Hoán hết sức xin tha, chỉ bị tội lưu đày. Sau vua Đường Đại Tông lên ngôi cho người mời về lại triều đình để phục chức, sứ giả chưa đến nơi thì ông đã qua đời, hưởng thọ 61 tuổi.
 
Người đời sau xưng tụng Lý Bạch là Thi Tiên. Về cái chết của ông cũng có giai thoại kỳ lạ rằng một đêm rằm ông say rượu, nhìn xuống sông thấy trăng bèn nhảy xuống “bắt trăng” rồi chết đuối.
 
Lý Bạch không quan tâm lắm đến gia đình, chỉ biết thơ và rượu, có lẽ đó là điểm yếu duy nhất của ông.
 
Thơ Lý Bạch tương truyền có đến mười mấy ngàn bài nhưng thất lạc hết vì loạn An Lộc Sơn. Hơn một ngàn bài lưu lại được là nhờ người anh họ Lý Dương Lân có công thu thập. Những bài nổi tiếng như Tương Tiến Tửu, Hiệp Khách Hành, Hành Lộ Nan. Ta biết thời Đường có rất nhiều nhà thơ lưu danh sử sách. Thơ bảy chữ thì có thể nói, thơ Vương Xương Linh hay ngang với Lý Bạch, nhưng thơ năm chữ thì không ai sánh được với ông...
 
Bài này tôi đọc được cách đây khá lâu, cũng xin bắt chước mà dịch như sau:
 
Sớm xuân còn giấc mơ màng
Trên cành chim đã hót vang khắp trời
Đêm qua mưa gió tơi bời
Chắc là hoa đã rụng rơi ít nhiều.

 
Chúc cả nhà một mùa xuân tươi vui.