Tác giả Chủ đề: Sự tử tế và xã hội lý tưởng  (Đã xem 2385 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi HMHai

Trả lời #3 vào: 11-03-2013 08:50:28
Viết thêm theo đề nghị của Binh Phan Van va Bich Ha

Câu hỏi của Binh Phan Van: “Làm cách nào để nâng cao đời sống tinh thần khi xu hướng chạy theo vật chất đang lấn át?”. Đây thực sự là vấn đề hóc búa nếu xét trên bình diện xã hội. Nhưng đối với cá nhân, một khi đã sẵn ý muốn nâng cao đời sống tinh thần thì ta có thể cải thiện ngay dù ít hay nhiều.

Hình ảnh lý tưởng là khi đạt được sự cân bằng IQ với EQ, lý trí với tình cảm, thành công và giá trị. Viết đủ cho bài này sẽ vừa dài vừa khô khan (nguy cơ bị bỏ qua hoặc đọc không kỹ vì… chán ) nên tôi muốn trình bày theo cách ngắn gọn hơn, đó là chọn giới thiệu với các bạn 3 điều quan trọng nhất, không thể thiếu trong việc nâng cao đời sống tinh thần.

1.   Kiến thức: Kiến thức là con đường chính đưa chúng ta vào đời sống tinh thần, đặc biệt các môn Triết, Sử và Văn chương. Kế đến là các môn nghệ thuật như hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, ca kịch hay vũ đạo. Con đường kiến thức gập ghềnh nhưng hai bên cũng có nhiều hoa nở.

Nếu Toán học đi đầu trong khoa học tự nhiên thì Triết học dẫn đường cho khoa học xã hội. Hơn thế, Triết học đưa nhân loại đến điểm cuối cùng là một hạnh phúc viên mãn. Vì sự giới hạn của trí óc, con người không thể nhận thức đầy đủ và rõ ràng điểm cuối cùng đó nên thế gian tồn tại nhiều hình thái tư tưởng và tôn giáo khác nhau. Khi xã hội loài người tiến triển, đời sống tinh thần là biểu hiện của văn minh. Giống như đôi cánh giúp chim sống cuộc đời của loài chim, Triết học giúp cho con người sống cuộc đời của loài người, tức là có đời sống tinh thần phong phú.

Tôi nghĩ các bạn nên tìm đọc các triết gia Hy Lạp (Socrates, Platon, Aristotle trước, biết thêm Heraclites càng hay) và các triết gia Trung Quốc (Khổng Tử, Lão Tử, Tuân Tử trước, biết thêm Mạnh Tử, Trang Tử và Hàn Phi Tử càng tốt). Về triết học phương Tây thì ai có khả năng cứ đọc thêm Spinoza, Kant hay Voltaire để hiểu sự khác biệt của các nền văn hóa.

Văn chương, lịch sử, nghệ thuật làm cho tâm hồn thanh cao. Người biết đánh đàn, vẽ tranh, hiểu thơ văn, lịch sử sẽ dễ thấy hạnh phúc hơn người khác có cùng mức sống. Một ly rượu nhạt bên bạn bè đồng điệu nâng tinh thần ta lên trong khi mấy chai whisky đắt tiền trong quán bar ồn ào hỗn tạp lại có thể dìm cuộc đời ta xuống.

2.   Lòng vị tha: Đây là bí quyết số hai. Vị kỷ (self-centred) là vì mình, vị tha (altruistic) là vì người khác. Khác với ích kỷ (selfish) thường keo kiệt, người vị kỷ nhiều khi dám bỏ ra nhiều tiền cho một việc nào đó để đạt mục đích của mình. Nói cách khác, với người vị kỷ mọi con đường đều dẫn đến bản thân. Đời sống tinh thần của họ vì thế bị giới hạn rất nhiều.

Trong khi đó, người vị tha có tấm lòng rộng mở nên hạnh phúc cũng theo lối ấy tràn vào. Họ sẽ được phấn chấn tinh thần khi thấy trên khuôn mặt người đang gặp khó khăn nở một nụ cười nhờ sự giúp đỡ của họ. Niềm vui đó lớn đủ để họ không còn mong đền đáp. Thực tế, chỉ một số ít người sinh ra đã có sẵn lòng vị tha, còn phần lớn trường hợp như chúng ta đây thì phải học mới có được mà nội dung bài học đó nằm hầu hết trong các môn Triết, Sử và Văn chương. Ai có lòng vị tha sẽ không bao giờ thất vọng.

3.   Tình yêu thiên nhiên: Bí quyết thứ ba này dễ học nhưng khó thực hành. Ta có thể học và biết yêu cảnh núi rừng trùng điệp, biển cả mênh mông, cảnh sương mù giăng lối, cảnh liễu rủ bên hồ. Ta học và biết yêu đàn nai chạy trên sườn đồi, chim hải âu lượn trên sóng biển, yêu đàn bướm dập dìu bay… nhưng hành động của chúng ta lại thường nhắm đến điều trái ngược, làm hỏng những gì thiên nhiên đã tạo ra cho loài người thưởng thức. Tôi muốn nói ra suy nghĩ này: Lẽ ra ta phải thích nghe tiếng chim hót trên cây hơn tiếng chim hót trong lồng chật hẹp, ta phải thích thấy cặp ngà voi oai vệ trên mình con thú to lớn đi lại bên bìa rừng hơn cặp ngà voi lặng lẽ nằm trong phòng khách buồn tênh. Đời sống tinh thần thực tế chỉ đến với ai để dành tiền mua một chiếc máy ảnh, tranh thủ lúc rảnh rỗi “vác đồ nghề” đi săn lùng những bông hoa khoe mình trong nắng, chụp hình những cánh đại bàng đang chế ngự bầu trời, chứ không đến với người dư tiền bạc, chợt động tâm muốn mang tất cả thiên nhiên về nhà dưới dạng tiêu bản.

Trở lên là 3 điểm quan trọng để trả lời câu hỏi của Binh Phan Van. Đoạn dưới đây tôi xin nói thêm một chút về thắc mắc của Bich Ha Luong Nguyen: “làm sao để biết được mình đã cân bằng đời sống tinh thần với vật chất hay chưa”.

Giống như EQ hiện chưa có thang điểm chính xác để đo mà chỉ dùng bảng câu hỏi thăm dò dạng trắc nghiệm tâm lý, đời sống tinh thần cũng chưa có cách đo cụ thể, chỉ dùng lương tri (Common Sense) để xác định mức độ mà thôi. Tôi xin nêu vài câu hỏi, các bạn chọn cách trả lời rồi dựa vào đó tự đánh giá xem mình có biết cân bằng đời sống tinh thần với vật chất hay không:

-   Khi còn sống, bạn mong con cái mình có mức thu nhập trung bình và thỉnh thoảng ghé thăm Bố Mẹ, hay muốn chúng khá giả hơn nhưng cả năm bạn không thể nào gặp được một lần?
-   Khi lìa đời, bạn muốn để lại cho con cái mình tri thức cộng thêm một ít tài sản, hay cho chúng ít học hành nhưng được thừa kế nhiều tiền?
-   Về quan hệ, bạn mong có vài người bạn chí thân để chia sẻ vui buồn tuy cuộc sống ở mức trung bình, hay chỉ muốn chơi với người giàu mà không cần phải là bạn bè thật sự?
-   Đi du lịch, bạn muốn được đến nơi có cảnh thiên nhiên hùng vĩ, có nền văn hóa khác lạ, hay chỉ cần đến nơi có chỗ shopping nhiều hàng hóa với những món ăn mình ưa thích?
-   Về bản thân, bạn muốn mình có kiến thức uyên bác, một ít tài văn nghệ tuy không giàu có, hay muốn mình mọi thứ tầm thường miễn có nhiều tiền là được?

Những câu hỏi tương tự như trên còn rất nhiều và thường được đặt ra cho mỗi chúng ta.

Biết coi trọng và luôn tìm cách nâng cao đời sống tinh thần, ta sẽ thấy rất rõ hạnh phúc bình yên trong mấy mươi năm ở trọ trần gian. Ngược lại, với những người chỉ biết chạy theo vật chất bằng mọi giá thì cái hạnh phúc bình yên đó vẫn mãi là một hình bóng mơ hồ.

Chúc cả nhà vui.

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #2 vào: 03-03-2013 09:27:27
Viết thêm theo đề nghị của Jessie.
 
Tôi muốn viết thêm một chút cho rõ ràng hơn về đời sống vật chất và đời sống tinh thần.
 
Bàn về nhân sinh quan, học giả Nguyễn Hiến Lê nói: “Đời sống vật chất nên dưới mức trung bình còn đời sống tinh thần thì nên trên mức ấy”. Nghĩa là chúng ta cần phải kiếm đủ ăn để được tự do, sống xứng đáng với phẩm giá con người, nhưng khi có chút dư dả thì hãy bồi dưỡng đời sống tinh thần lên thay vì cứ mải chạy theo tiền của.
 
Để dễ nhận ra đâu là đời sống tinh thần, đâu là nhu cầu vật chất, tôi xin đưa vài ví dụ mô tả hình ảnh hai thái cực của hai khái niệm ấy. Từ đó, các bạn tự điều chỉnh kéo hai phía lại cho cân bằng (50-50), hoặc theo Nguyễn Hiến Lê thì tăng bên phía tinh thần thêm một chút, khoảng (55-45) thôi chứ không nhất thiết là phải quá cực đoan (90-10). Cực đoan bao giờ cũng không tốt.
 
-       Một chú rể cứ lâu lâu lại chạy ra đường ngóng chừng cho tới khi thấy bóng dáng người bạn thân từ xa đi lại dự đám cưới của mình; một chú rể khác chỉ quan tâm đến số lượng khách, mong người ta đi nhiều để đám cưới… có lời, chẳng kể thân sơ, miễn đông là được.
-       Một người hễ được đọc cuốn sách hay thì khoan khoái cả ngày không thấy đói, hễ được tay sờ cổ vật hay tận mắt chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên thì cảm xúc dâng lên quên hết nhọc nhằn vất vả đời thường;  một người khác chân đặt trên Vạn Lý Trường Thành mà trong đầu không biết Tần Thủy Hoàng là ai, đứng trước Phu Văn Lâu nhưng không biết Ông Già Bến Ngự, ngồi ăn uống trong nhà hàng năm sao cũng không biết nguồn gốc món sushi Nhật Bản hay cách làm phô-mai Hà Lan có những điểm lý thú gì.
-       Một người khi đến thăm Paris thì hăm hở thưởng thức tranh nghệ thuật trong viện bảo tàng Louvre, qua Athens lặng ngắm đền thờ các vị thần trên Acropolis, sang Barcelona thì nhìn cấu trúc từng tòa nhà, góc phố mà bồi hồi nhớ đại kiến trúc sư Gaudi; một người khác dù đi du lịch khắp bốn biển năm châu cũng chẳng biết gì ngoài giá các mặt hàng đã shopping trong siêu thị hoặc nhiều lắm là biết thêm vài chỗ ăn chơi.
 
Hai nhóm người trên đều có thể giàu hoặc có thể nghèo. Chúng ta thành tâm mong muốn cho cả hai đều giàu có và được sống trong xã hội thịnh vượng. Tuy nhiên, mức độ hạnh phúc của nhóm thứ nhất chắc chắn cao hơn rất nhiều so với nhóm thứ hai vì nhóm thứ nhất có đời sống tinh thần phong phú hơn nên hạnh phúc của họ viên mãn hơn.
 
Đến đây đáng lẽ đã đủ rồi nhưng với các bạn có nghiên cứu về marketing, tôi xin nói thêm một chút về tháp nhu cầu do Maslow lập ra từ giữa thế kỷ trước. Trong đó, ông cho rằng con người có 5 thang bậc nhu cầu từ thấp đến cao. Mức thấp nhất là những nhu cầu vật chất mà ông gọi là nhu cầu sinh lý (physiological needs). Sau đó là nhu cầu được an toàn (safety). Càng lên cao là những nhu cầu tình cảm (love/belonging), sự tôn trọng (esteem) hay nhu cầu thể hiện bản thân (self-actualization). Tất cả đều là các hình thức của đời sống tinh thần.
 
Người tử tế luôn biết quan tâm đến những người xung quanh. Niềm vui của họ không mâu thuẫn với hạnh phúc của người khác. Các bậc chân tu hầu như chỉ có nhu cầu vật chất tối thiểu, nghiêng hẳn về phía đời sống tinh thần nên cách cư xử của họ đạt tới đỉnh cao của sự tử tế. Với doanh nhân ta hiếm gặp người như Bill Gates. Có lẽ do rất thấu hiểu triết lý này nên ông đã nhẹ nhàng thoái vị khi đang ở thời hoàng kim, giao lại đế chế Microsoft hùng mạnh cho người đến sau còn mình quyết định dấn thân vào sự nghiệp mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại bằng con đường thiện nguyện vô cùng gian nan.
 
Tóm lại, ta nên coi trọng đời sống tinh thần hơn đời sống vật chất. Nếu được Trời ban cho sức khỏe tốt, trí thông minh hơn người và may mắn được giàu sang thì hãy nhớ tự giới hạn nhu cầu vật chất của bản thân để nâng đời sống tinh thần lên cho tương xứng. Hãy học để vui mỗi khi đọc được bài thơ tuyệt hay trên bộ ván cũ trong căn nhà mộc mạc đơn sơ, chứ không phải khi nằm nghe bài hát nhảm nhí trên bộ salon êm ái trong căn phòng sang trọng đắt tiền.
 
Chúc cả nhà một ngày chủ nhật vui tươi.

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #1 vào: 24-02-2013 01:51:34
Viết theo đề nghị của Opla và Jessie Nguyen.

Platon nói: “Be kind, for everyone you meet is fighting a hard battle”. Mark Twain nói: “Kindness is a language which the deaf can hear and the blind can read”. Einstein nói: “The ideals which have lighted my way, and time after time have given me new courage to face life cheerfully, have been Kindness, Beauty and Truth. The trite subjects of human efforts, possessions, outward success, luxury have always seemed to me contemptible”

Planton nói: “Đối xử tử tế với mỗi người ta gặp là như chiến đấu trong một trận chiến khó khăn”. Mark Twain nói: “Sự tử tế là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể đọc\\\". Einstein nói: “Những lý tưởng soi sáng con đường tôi đi, luôn cho tôi lòng can đảm để đối diện cuộc sống một cách vui tươi chính là Sự Tử Tế, Cái Đẹp và Sự Thật (Chân, Thiện, Mỹ). Những chủ đề nhàm chán của con người như tài sản, thành công bên ngoài, sự xa xỉ luôn mang lại cho tôi cảm giác đáng khinh”.

Ba triết gia của nhân loại đã nói về sự tử tế của con người như thế.

Ở đây, tôi chỉ xin trình bày thêm vài ý để giúp các bạn nhận ra được sự tử tế trong đời sống hàng ngày và mối liên hệ của nó với một xã hội lý tưởng như thế nào.
-       Tử tế là biết đối xử đúng mực với người khác trong từng việc nhỏ nhặt.
-       Tử tế là luôn nghĩ tốt cho người khác và chỉ miễn cưỡng chấp nhận đánh giá ai không tốt khi có bằng chứng rõ ràng về cái xấu của người đó.
-       Tử tế luôn đi kèm với sự khiêm nhường. Chúng ta nhớ điều này để phân biệt được cái thật giả của người đời.

Người tử tế sẵn lòng giúp đỡ người khác đồng thời cũng rất vui khi được người khác quan tâm, nhất là về mặt tinh thần. Một lời khen đúng lúc, một cái nhìn thiện cảm luôn có ý nghĩa với họ.

Người tử tế xác định đời sống vật chất không quan trọng bằng đời sống tinh thần, mà với đời sống tinh thần thì nhu cầu rất dễ đáp ứng nên họ hạnh phúc. Thực tế, chẳng tốn kém bao nhiêu để trồng một chậu hoa, mua một cuốn sách hay nghe một bản nhạc.

Trong khi đó, càng tìm cách để thành công về tiền bạc, con người càng tạo ra nhiều sự đối đầu. Dù cạnh tranh lành mạnh hay thủ đoạn mưu mô thì kết quả vẫn là thêm thù bớt bạn. Nhiều người từng trải đã phải nhận rằng thuở hàn vi họ có nhiều bạn hơn lúc thành công. Chạy theo thành công vật chất bằng mọi giá, cái thu được sẽ là một sự cô đơn giữa chốn đông người và đôi khi tệ hơn, không thể tìm ra cho mình một chỗ nương thân dù trời đất bao la.

Tóm lại, xã hội lý tưởng là xã hội trong đó có người dân tử tế và người quản lý đàng hoàng. Tử tế chính là học làm người mà một trong những nguyên tắc đầu tiên là phải biết xem nhẹ vật chất và coi trọng đời sống tinh thần.

Chúc Opla, Jessie Nguyen và cả nhà luôn vui.