Tác giả Chủ đề: An Giang-SV Hồ Thị Bích- Vượt khó đến giảng đường  (Đã xem 6223 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi saigon

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 4
  • Thích 0
SV Hồ Thị Bích trong giờ học tại Thư Viện ĐHAG

Ba năm trước, mẹ qua đời, cha bỏ đi, anh chị lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề phụ hồ, công nhân, Hồ Thị Bích (sinh viên lớp DH11NV) “vừa làm chị vừa làm mẹ” và lo cả việc thời phụng hương khói cho người đã khuất trong gia đình. Ngoài giờ đi học, Bích quần quật với những công việc, lo toan thường nhật: nấu nướng, giặt giũ, dạy học cho hai em nhỏ đang học lớp 3 và lớp 6….. .

         Dưới căn nhà ộp ẹp, đơn chiếc, ba chị em nương tựa nhau sống đắp đổi qua ngày với số tiền các anh chị gửi về và số tiền Bích làm thuê mướn. Suốt những năm học cấp ba, Bích đã cố gắng rất nhiều để được tiếp tục đến trường

Ba năm trước….chấp nhận và đối mặt

 Gia đình Bích thuộc diện hộ nghèo của xã. Mẹ em là lao động chính trong gia đình. Bán cá, đi mót lúa, cắt lúa mướn – việc nặng nhọc nào mẹ em cũng bươn chải để có tiền lo cho con ăn học. Năm em học lớp 8 cũng là năm mẹ em phát bệnh sưng phù toàn thân. Gia cảnh nghèo khó, những gì có thể bán đều bán sạch nhưng vẫn không đủ tiền điều trị bệnh cho mẹ, đi vay thì không có gì để thế chấp. Sau hai năm ròng rã điều trị Đông Tây y nhưng “tiền mất tật mang”, bệnh tình của mẹ em không thuyên giảm mà còn ngặt nghèo hơn.

 Hằng ngày đến lớp, Bích mang theo nỗi thấp thỏm lo âu về bệnh tình của mẹ, em không thể vô tư, hòa đồng với bạn bè như trước. Rồi cái ngày phải chấp nhận sự mất mát, mồ côi cũng đã đến, mẹ em qua đời bỏ lại 6 người con đang tuổi ăn tuổi lớn. Lúc đó, đang trong cảnh túng quẫn, em cũng không hiểu vì sao cha em bỏ đi, chỉ biết cha đi tha phương rồi về quê Nội – miền quê rất gần nhà em nhưng em chưa từng được đặt chân đến.

Anh chị của Bích lần lượt lên đất Sài Gòn để mưu sinh, Bích gánh nặng trách nhiệm “làm chị làm mẹ”. Mỗi buổi sáng, Bích phải dậy thật sớm lo cho hai em đi học và dành ra hàng tiếng đồng hồ đạp xe từ nhà đến trường THPT Quốc Thái. Con đường đá lỏm chỏm và con đò nhỏ nối liền hai xã Phú Hữu và Quốc Thái (huyện An Phú) đã ghi dấu những bước chân nhọc nhằn của em trong những ngày cắp sách đến trường. Ngoài giờ đi học, Bích tranh thủ đi  làm cỏ mướn, bẻ ớt, nhặt đậu – trung bình mỗi buổi em thu nhập được khoảng 30.000 đồng. Buồn nhất là đến ngày giỗ Nội cũng chỉ có ba chị em thui thủi lo cúng kiến trước sau. Khoảng thời gian này quả là một thử thách lớn đối với Bích.

 Biết tin cha bước thêm bước nữa, Bích đã từng thất vọng, muốn buông xuôi tất cả. Nhìn hai đứa em còn nhỏ dại sống thiếu tình thương yêu của mẹ, sự đùm bọc của cha, mấy lần em xếp dẹp sách vở với ý nghĩ “mình phải hy sinh cho các em”. Những trăn trở và trách nhiệm cứ thế bám riết lấy em. Đắn đo mãi cuối cùng em cũng đã đưa ra quyết định: Em chấp nhận thực tế và quyết tâm đối mặt với khó khăn. Nhưng nào ngờ căn bệnh hạ canxi, thiếu máu lại bộc phát đúng vào những ngày trước và sau khi em thi tốt nghiệp. Những tưởng con đường học vấn của em đến đó là chấm hết….Sức khỏe kém, thường xuyên ngất xỉu, học lực chỉ ở mức trung bình khá và cũng chẳng đi luyện thi vậy mà Bích đã vượt qua cả hai kỳ thi tú tài và đại học. Thầy cô cũng như bạn bè ai nấy đều cảm thấy bất ngờ và thán phục em.

 Hiện tại…vươn lên và chắp cánh ước mơ

 Ngày hay tin trúng tuyển Đại học, hàng trăm thứ lo ở đâu cứ vây bủa lấy Bích. Lo cho hai đứa em nếu Bích đi học xa thì ai sẽ chăm sóc, trông nom? Lo vì thu nhập của anh chị không ổn định, chị gái Bích đã có gia đình riêng nên các khoản phí ăn học của Bích và hai em nhỏ ở quê có thể anh chị sẽ không kham chu đáo được. Lo vì Bích chỉ quen sống ở thôn quê chân chất, ngày mai sống ở đất thị thành trong cảnh túng thiếu, đầy bỡ ngỡ không khéo sẽ dễ bị cám dỗ, sa ngã…Bích xúc động kể về nỗi niềm lo lắng của mình trước ngày nhập học.

 Em năn nỉ cha quay về mái nhà xưa và em sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện của cha. Cha đồng ý. Điều kiện của cha đặt ra trong lúc cha đang ngà ngà hơi men, đó là: mẹ kế về sống chung một nhà, Bích đi học đại học thì tự lo….Dù rất buồn với mấy điều kiện của cha nhưng em thông cảm, thấu hiểu cho sự mòn mỏi của người cha đang vào độ tuổi chiều tà, không nghề nghiệp….

 Anh chị Bích đã nghỉ học để Bích và hai em được đi học, nên dù nhớ nhà, nhớ hai em nhưng Bích cũng cố gắng không về, em muốn dành dụm tiền để tết về xum họp gia đình, sắm quần áo, tập sách cho hai em. Phải tảo tần từ khi còn rất trẻ nên mới 18 tuổi mà trông Bích có vẻ già dặn trước tuổi. Thế nhưng, em không quan trọng điều này, đối với em điều quan trọng nhất trong cuộc sống này chính là tương lai của gia đình.

 Biết hoàn cảnh của Bích, thầy cô ở tổ bộ môn Ngữ văn đã giới thiệu em đến ở nhờ nhà của cô Trần Thị Bảy, khu tập thể giảng viên trường ĐHAG. Năm nay, cô Bảy đã 69 tuổi, sức khỏe yếu, Bích xem cô như người bà nên chăm ngoan, tận tình chăm sóc để bà vui. Bích vô cùng cảm động và biết ơn những tấm lòng thiện nguyện đã giúp đỡ em trong những tháng ngày khó khăn nhất.

 Nhân bài viết này, Bích muốn gửi lời tri ân đến Hội chữ thập đỏ của xã Phú Hữu, huyện An Phú, sau ngày mẹ em mất, Hội đã giúp đỡ gia đình em lợp lại mái nhà dột nát. Em cũng xin chân thành cảm ơn cô Trần Thị Bảy đã cưu mang em, cùng quý thầy cô thuộc bộ môn Ngữ văn, chủ nhiệm lớp DH11NV – cô Lê Huỳnh Diệu đã cho em những tháng ngày ấm áp tình thầy trò. Đặc biệt, em vô cùng cảm ơn những vị lái đò ở trường THPT Quốc Thái, trong đó, người mà em muốn nhắc đến đầu tiên đó là thầy Bùi Quốc Thái, GV bộ môn Anh văn – thầy tận tụy với nghề, yêu thương quan tâm giúp đỡ học trò. Bích còn nhớ, đúng vào lúc em cảm thấy mất phương hướng, hụt hẫng nhất, thầy Thái đã tìm đến tận nhà và tiếp thêm ngọn lửa niềm tin trong em.  

 Và hôm nay, vượt qua những nỗi lo, Bích đã vươn lên để chắp cánh cho ước mơ bay cao. Hiện tại, Bích đang tìm việc làm thêm bán thời gian để đỡ một phần vất vả cho anh chị mình. Với mỗi vấp ngã, buồn thương, mất mát trong cuộc sống, Bích đã, đang và sẽ cố gắng khắc phục bằng cách tiếp tục đứng lên, chiến đấu, học tập và làm việc liên tục, vì đối với em “thành công không phải là điểm đến, thành công là một hành trình”.

 Khi được hỏi, động lực nào đã giúp em không bỏ cuộc trước những biến cố của gia đình, Bích tâm sự \\\"Em nghĩ chỉ có con đường học mới mong thoát nghèo. Lúc nào em cũng tự an ủi, động viên bản thân phải miệt mài hơn, chăm chỉ hơn, phải biết tự cố gắng để sau này còn lo cho hai đứa em…Với lại, em rất yêu nghề giáo - ước mơ của em là được đứng lớp giảng bài, dạy học…\\\".      

Xin cảm ơn!