Tác giả Chủ đề: Ca dao Việt Nam  (Đã xem 22750 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi oliu

Trả lời #7 vào: 14-06-2011 10:42:07
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy”

Gia đình tôi hồi đó cùng nhiều người đi lên vùng kinh tế mới hẻo lánh xa xôi, xung quanh là rừng núi bạt ngàn. Người lớn có vẻ lo lắng trước tương lai bất định nhưng với bọn trẻ chúng tôi khung cảnh ấy thật giống thiên đường. Mỗi ngày buổi sáng đi học, chiều theo cha mẹ vào rẫy, khi rảnh rỗi thì xách ná vào rừng bắn chim hoặc vác cần câu ra suối. Rừng hồi đó chưa bị tàn phá nên rất đẹp và nên thơ. Có nhiều cảnh ngày nay chỉ còn thấy trên kênh Discovery hay Animal Planet. Cái cảm giác thú vị khi nhìn từng đàn vẹt đủ màu xanh đỏ bay sát đầu mình hay bắt gặp những con chồn thả mình lượn từ cây này sang cây khác. Loại chồn ấy nay đã có tên trong sách đỏ.

Trường học cấp hai của chúng tôi nằm sát ủy ban nhân dân xã được xây dựng bằng sự góp sức của phụ huynh học sinh: nộp vật liệu tre, gỗ và công lao động. Các thầy cô giáo đa số tuổi từ 21-25, thầy hiệu trưởng “già” nhất cũng chỉ mới ngoài 30 tuổi. Đôi khi nhớ lại thấy thương các thầy cô hồi đó vô cùng. Tuổi thanh xuân của các Người trôi qua lặng lẽ trong cảnh thiếu thốn mọi bề. Duy có điều này an ủi: hầu hết phụ huynh đều giữ tinh thần tôn sư trọng đạo, rất lễ phép với các thầy cô dù lớn tuổi hơn các thầy cô nhiều.

Tôi nhớ một lần hình như là chiều thứ sáu, tôi được lệnh về báo cho ba mẹ biết cuối tuần thầy cô sẽ ghé thăm. Nghe tin ba tôi quyết định chiều thứ bảy không ra đồng để ở nhà đón tiếp. Mẹ tôi giặt lại chiếc chiếu cũ để trải trên sập cho thầy cô ngồi. Ba tôi nói chuyện với thầy cô một tiếng là dạ hai tiếng là thưa. Tôi thì đứng xớ rớ ở góc bếp coi giữ cho ấm nước luôn nóng để pha trà thêm. Thỉnh thoảng nghe thầy nói với ba là tôi học giỏi mà thấy sướng J…

Câu ca dao trên rất nhiều người đã biết. Bây giờ nhân tiện bạn oliu hỏi tôi cũng muốn chia sẻ vài ý cho vui.

Nếu đọc rồi hiểu theo nghĩa của từng chữ thì sẽ có 2 cách hiểu khác nhau: sang là động từ và sang là tính từ. Lướt sơ trên mạng cũng thấy nhiều bài viết nêu ra hai cách hiểu đó bởi nhiều tác giả, có vị là giáo sư nữa. Đó là điểm đáng buồn vì cứ theo cái đà này mai mốt đọc ca dao chỉ toàn là đoán nghĩa thôi. Trong khi lẽ ra, dù có bao nhiêu cách hiểu đi nữa thì cũng phải chọn một vì tác giả không sáng tác ra để ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tất nhiên là chỉ có một cách hiểu đúng ý tác giả.

Những người hiểu “sang” là “đi qua” dựa vào hai cơ sở sau: thứ nhất, họ cho rằng qua sông ở đây giống như vượt qua một bến mê còn con người thì cần phải học mới sống tốt được; thứ hai, họ dựa vào hai câu trước của bài ca dao: “Bồng bồng mẹ bế con sang/ Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo/ Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy”. Rõ ràng chữ sang trong câu thứ nhất có nghĩa là “đi qua” nên chữ sang trong câu thứ ba cũng phải như thế chứ không thể khác.

Nhưng sự thật thì không phải như thế.
Ngày xưa dưới thời phong kiến, “Sĩ Nông Công Thương” là 4 giai cấp trong xã hội trong đó Sĩ là cao quý nhất. Cái học được coi trọng vì người học giỏi thường ra làm quan. Cái “sang” đi theo sự đỗ đạt một cách hiển nhiên nên mới có “vinh qui bái tổ” hay “ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau”.
Muốn con hay chữ tức là muốn cao sang quyền quý chứ không phải là chỉ muốn sang sông.
Bây giờ nói tới chữ nghĩa. Cần phải giải quyết hai câu hỏi: 1. cầu kiều là gì? Và 2. Hai câu đầu trong bài ca dao trên có vai trò như thế nào?
Cầu kiều là loại cầu cong, cao vút lên, được xây để nối từ bờ đi ra nhà thủy tạ trên mặt hồ trong cung vua hay phủ của quan. Nếu xây cầu ngang thì không sang trọng bằng cầu kiều. Chữ “kiều” ở đây có nghĩa là cao và cong như cái yên ngựa.
Hai câu đầu là một sự lắp ghép của người đời sau chứ không phải là bản gốc. Rất tiếc vị tác giả thứ hai này lại ghép thô thiển quá nên đã không chỉ làm hư chữ “sang” mà còn đưa ý lạc đề nữa. Chuyện đò dọc đò ngang bị quan cấm ở đây thật vô nghĩa. Ý chính của câu ca dao là “trọng Thầy mới được làm Thầy” chứ không phải là tinh thần vượt khó hay phản ánh xã hội. Chúng ta nên mạnh dạn cắt bỏ phần lắp ghép của người đời sau đi. Đặc biệt ca dao với đăc điểm tác giả khuyết danh, là mảnh đất dễ dàng cho các “tay chơi” mặc sức sửa thơ và gán ghép.
Một ví dụ chuyện cũ: bài ca dao lọt từ Bắc vào Huế cũng đã đánh lừa nhiều người bởi tính bác học của nó mà nếu không mạnh dạn bạn cũng khó tránh khỏi bị lung lạc:
Bài gốc:    
Gió đưa cành trúc la đà
              Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
              Mịt mờ khói tỏa ngàn sương
              Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ

Bài “chế”:
Gió đưa cành trúc la đà
              Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
              Thuyền về xuôi mái sông Hương
              Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay.

Dài dòng kể lể như thế vì yêu câu ca dao, yêu thơ lục bát rất riêng của tiếng Việt và yêu mọi người trong Diễn Đàn. Thân chúc hết thảy các bạn cùng ý kiến hay ngược ý kiến đều được vui vẻ.

HMHai

 


Ngủ rồi banron

Trả lời #6 vào: 10-09-2010 13:55:50
Rồi mùa toóc rạ, rơm khô
Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm


Đã mấy mươi năm trôi qua kề từ lần sau cùng nghe mẹ hát ru em bằng câu ca dao ấy mà bây giờ nhắc lại vẫn cảm thấy bồi hồi, lòng buồn man mác, thương nhớ cảnh miền quê xa xôi vắng lặng, khi đói khi no nhưng luôn gợi lên cái đẹp thanh bình.

Thời xưa ở các làng quê hầu hết đều sống bằng nghề nông nhưng công việc thì mỗi người một khác. Đến mùa gặt lúa có những làng kéo nhau đi gặt thuê qua các huyện trong cùng tỉnh. Họ đi thành từng bạn (bạn là một nhóm người) có khi rất đông. Ở chỗ tôi Cam Lộ (Quảng Trị) thường có bạn gặt từ bên Hải Lăng sang làm.

Đến nơi, ban ngày những người này đi gặt, ban đêm giúp nhau giã gạo, xay lúa cho các nhà chủ mà họ làm thuê. Trong lúc giã gạo ban đêm như thế, trai gái trong làng và những người thợ gặt ấy hát hò đối đáp với nhau. Những vần thơ đong đầy cảm xúc được sáng tác bởi các nhà thơ khuyết danh- cũng là nông dân- dần dần trở thành những câu ca dao nặng tình quê hương đất nước.

Tôi thích câu ca dao này lắm, và cũng vì thế nên đôi khi cảm thấy không vui khi chứng kiến ngày càng nhiều câu ca dao bị biến đổi theo chiều hướng kém hay đi. Câu thơ với những từ địa phương bị nặn sửa lại cho hợp với từ mới. Câu ca dao trên cũng kém may mắn như vậy.

Xin không ngại dông dài mà trình bày cho các bạn nghe.

Ở các vùng quê từ Nghệ An cho đến Huế, người dân nói giọng nặng nên các dấu sắc hỏi ngã họ phát âm thành dấu nặng hết (như trong chuyện “mậy chụ thệ nào cụng cọ chụ chệt” trước đây từng trở thành một topic rất hay, topic “Quê Choa” bên DD cũ). Chữ rạ ở trên là do chữ rã nói nặng mà ra. Bạn nguyenbaont có lẽ sợ mọi người không hiểu nên phải viết là rã chăng?

Toóc là phần còn lại của cây lúa trên đồng sau khi gặt xong, rơm là phần trên của cây lúa sau khi đã được đập lấy hạt. Khi toóc đã rã và rơm đã khô thì cũng là lúc hết việc ngoài đồng. Cánh bạn gặt chia tay ra về trong sự lưu luyến của dân làng bởi những cuộc tình chưa kịp bén duyên, hay chỉ nuối tiếc vì ngày vui đã qua, làng xóm trở lại im lìm như trước.

Khổ một nỗi, chữ rạ hiện đại lại đồng nghĩa với toóc, lại được nhiều người biết hơn. Từ điển cũng giải thích rạ là phần còn lại của cây lúa sau khi gặt xong. Thế là câu ca dao đó bây giờ đã bị viết thành: \\\"Rồi mùa tóp rạ rơm khô(!), bạn về quê bạn biết mô mà tìm\\\".

Có vị giải thích rằng tóp rạ là cây rạ bị tóp lại. Thế thì phải nói là “tóp rạ khô rơm” hay là “rạ tóp rơm khô” mới hợp văn chương thi phú chứ. Vị ấy không biết người dân quê miền Trung gọi rạ là toóc nên mới giải thích như thế. Học sinh cũng sẽ học theo như thế vì vị ấy là giáo sư, còn câu ca dao cuối cùng sẽ khô héo và chết trên con đường văn học, nó chỉ sống và nở hoa trên môi những người già thỉnh thoảng ngồi hắng giọng hát ru cháu nhỏ trong nôi bằng những câu thơ cũ mà thôi.

Cám ơn bạn nguyenbaont đã nhắc lại câu thơ với chữ toóc thân thuộc ngày xưa.

Rồi mùa toóc rạ, rơm khô
Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm


Banron

 


nguyenbaont

  • bạn
Trả lời #5 vào: 08-09-2010 01:21:07
Gió đưa cây cải về trời...
        Vô tình tôi đọc bài viết của hai vị (vì tôi vừa đăng kí thành viên), xin bàn góp vài lời \\\"dông dài\\\".
         Trước hết, xin bày tỏ lòng chân thành với người đã có công khởi xướng bàn về câu ca tuyệt mĩ này, cũng xin được cảm ơn người phản biện vì đó cũng là lời thể hiện cách cảm nhận rất chân thành.
        Xin được góp bàn một cách hiểu sau đây:
  Tôi hoàn toàn đồng ý với bác Hoacomay là: \\\"tôi chưa nghe thấy cây cải-rau răm đi thành đôi hoà hợp trong hình tượng cũng như một món ăn nào đó (rau răm thường có trong món cá kèo kho, hột vịt lộn, gỏi bắp cải, cháo lòng…), dù cây cải và rau răm là những loại rau ăn hàng ngày ở thôn quê.\\\" Và vì có lẽ vậy nên CẢI đã gặp RĂM một cách tình cờ, dù không \\\"sánh ngang\\\" với nhau nhưng có lẽ cũng có một vài tình ý. Nhưng dù tình ý chỉ thoáng qua (\\\"ngắn ngày\\\") nhưng có lẽ cũng đã để lại một \\\"sản phẩm\\\" tình yêu. Và vì chỉ thoáng qua nên phải chia tay, mà cuộc chia tay không hẹn ngày tái ngộ vì cải được gió đưa về trời, tức là lang thang vô định. Vì thế mà \\\"rau răm ở lại chịu lời đắng cay\\\". Có chút ngọt ngào thì cải đã mang đi, bao nhiêu thị phi rau răm chịu tất. Lời ca có ý trách móc chàng trai đã vô tình mà trở thành bạc nghĩa, lời thơ thấm đẫm nỗi buồn.
  Chắc các bác đã nghe kể một câu chuyện dân gian, nhưng cũng xin tóm tắt để phụ họa cho cách hiểu này:
  ...Ngày xưa, có một anh lái buôn đến một làng nọ, trong làng có một gia đình có cô con gái rất xinh xắn vừa tuổi cập kê, nhiều người dạm hỏi nhưng bố cô chưa ưng đám nào. Anh lái buôn xin với bố cô gái cho được nghỉ nhờ một đêm. Vốn có tiền sẵn, lại được tài ăn nói nên hôm đó hai người uống rượu rất khuya. Ông bố rất vui nên quá chén. Sáng hôm sau anh lái buôn xin phép đi sớm. Ông bố dậy tiễn với vẻ bịn rịn nên không để ý cô con gái đứng từ trong buồng nhìn ra, vẻ mặt lo âu. Ít ngày sau, bố cô gái khăng khăng bắt cô lấy chồng...

  Và cũng lâu rồi, tôi có đọc một câu ca (hình như của vùng xứ Nghệ) có nội dung gần tương tự câu trên:
            Rồi mùa toóc rã rơm khô
       Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm.
Đó là tâm trạng trước khi chia tay của hai người bạn đi gặt thuê.

(Xin được bàn thêm vê câu ca này ở một bài khác)

Vài lời lạm bàn, mong các bác thông cảm.
Chúc sức khỏe và niềm vui.

 


Ngủ rồi oliu

Trả lời #4 vào: 17-04-2010 23:15:59
Hoacomay trả lời:

Tôi cũng có đôi lời trao đổi cùng các bạn và thử đưa ra một cái nhìn khác đối với 2 câu thơ này.
Ngày xưa, người ta thường ví nam giới, người quân tử, như cây tùng, cây bách, cây trúc, cây thông. Những cây này vẫn sống tốt, mạnh mẽ, chịu đựng trong môi trường khắc nghiệt nhất. Với hàm ý, đó là người quân tử có những ý chí sắt đá, không chịu cuộc đời luồn cúi, cứ hiên ngang với những khó khăn giữa cuộc đời.
Và trong cuộc sống gia đình, người chồng là trụ cột
\\\"Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân,
 Tuyết sương che chở cho thân cát đằng.\\\" (TKiều)
[/color]Hay câu thường nghe “Cát đằng núp bóng tùng quân”
Do đó, việc bác Banron đưa ra ý kiến cho rằng: hình tượng lá cải tượng trưng cho người chồng là khá gượng ép so với quan niệm ngày xưa. Dù cho hoàn cảnh thôn quê thuở ấy còn khó khăn, nghèo khổ, thì hình ảnh người chồng cũng mong muốn được tượng trưng bởi những cây khác có hình ảnh đẹp đẽ hơn, sức sống mãnh liệt hơn, đủ sức để che chở cho gia đình như: tre, trúc, cây trà, cây sen…Thế thì ở đây, hình ảnh cây cải là loại cây ngắn ngày, trồng vài tháng là thu hoạch, có vòng đời ngắn ngủi. Do đó, cây cải không chỉ là tượng trưng cho người chồng mà nó còn tượng trưng cho bất kỳ một người thân trong gia đình: bố, mẹ, anh, chị, em, cô, dì, con cái, chồng, vợ…có cuộc sống ngắn \\\"chẳng tày gang\\\", ra đi trong niềm thương tiếc vô hạn của người ở lại.
Trong cuộc biệt ly, âm dương ngăn cách, bất cứ cuộc chia ly nào cũng để lại niềm thương xót to lớn cho người ở lại, nên đâu cứ phải vợ chồng ly biệt mới chỉ đáng kể nhỉ!
Cây rau răm có đời sống lâu hơn, dùng được quanh năm, điều này hàm ý đó là người sống lâu hơn so với người “về trời”, và như thế người ở lại đâu chỉ có mỗi người vợ.
Thường khi nói về quan hệ vợ chồng, người ta hay mượn những hình tượng thông qua sự hoà hợp, hay đi đôi với nhau của cây cỏ, thức ăn: VD, trầu- cau, , trúc- liễu, cây tùng -cát đằng, rau đay-mồng tơi, đầu tôm -ruột bầu …Nhưng tôi chưa nghe thấy cây cải-rau răm đi thành đôi hoà hợp trong hình tượng cũng như một món ăn nào đó (rau răm thường có trong món cá kèo kho, hột vịt lộn, gỏi bắp cải, cháo lòng…), dù cây cải và rau răm là những loại rau ăn hàng ngày ở thôn quê. Do đó, nói đây là cuộc chia ly của một đôi vợ chồng chưa hẳn đã đúng.
“Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”, Có thể người mất là vợ, chồng hay một người thân nào đó trong gia đình và những người ở lại cảm thấy xót xa trong lòng, thương tiếc vô hạn người đã khuất, vì chữ “đắng cay” hay “cay đắng” chỉ có nghĩa là xót xa trong lòng về một cái gì đó. Nên nói rằng nếu người chồng mất đi thì người vợ phải chịu nhiều thiệt thòi do xã hội phong kiến là chưa hẳn đúng.
Tôi cho rằng chữ “đời” có lẽ thích hợp hơn “lời”, vì người ở lại thương xót người đã mất có khi cả đời người vẫn còn nhớ mãi. Còn chữ “lời” không phù hợp với tâm trạng của người ở lại và “lời” thì thường là thoảng qua rồi mất hút…không còn chút gì để nhớ cả!
Tóm lại, 2 câu thơ này nói lên tâm trạng xót xa và thương tiếc vô cùng của người ở lại đối với người đã khuất.
Chúc các bạn vui vẻ!

 


Ngủ rồi oliu

Trả lời #3 vào: 17-04-2010 23:10:06
banron trả lời:

Chào Opla và cả nhà,

Quan niệm sống gấp của một bộ phận lớp trẻ có lẽ mình sẽ bàn trong một topic riêng, mảng ấy lớn quá nói ít không đủ ép phê. Vậy xin nói chuyện về câu ca dao thôi nhé.
Như bài trên cho thấy, ca dao là những vần thơ miêu tả hình ảnh thân thương của quê hương đất nước, bày tỏ những ẩn tình chan chứa đối với con người, hay những vần thơ lưu truyền kinh nghiệm đời sống. Lối dùng từ trong ca dao thường chân phương mộc mạc, vì thế những nhà thơ thạo tiếng bình dân sẽ dễ có vài câu thơ bị biến thành ca dao.
Diễn tả tình cảm đau xót của vợ chồng lúc biệt ly tôi chưa thấy câu nào hay bằng câu sau:
Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
[/b][/color]Cỡ Xuân Diệu hay Nguyễn Bính mà làm được như thế cũng nát óc chứ chẳng chơi.
Ngày xưa người phụ nữ theo chồng là dựa hết vào chồng, may nhờ rủi chịu. Có điều này quan trọng: dù người chồng hay dở đến đâu thì sự hiện diện của họ vẫn là niềm tin sống cho người phụ nữ, vì vị trí ngoài đời đã bị giới hạn bởi chế độ phong kiến, mà cảnh o ép mẹ chồng con dâu cũng không phải dễ chịu chút nào. Người chồng đối diện với mọi thứ trên đời để che chở cho vợ từ trong ra ngoài.
Vì thế nhỡ không may người chồng qua đời thì mất mát ấy là rất lớn, không gì bù đắp nổi. Hai câu ca dao kia diễn đạt được ý đó. Chồng mất rồi người vợ phải chịu đủ thứ bất công, không cãi được, vì tiếng nói của nữ giới chẳng được coi trọng.
Dùng hình ảnh cây cải và rau răm cũng là sự tài tình của người xưa. Cây cải lớn, trồng thành luống, thu hoạch theo vụ, đồng loạt. Cải nhổ rồi thì luống bỏ không, hết chăm sóc cho tới khi trồng hàng cải mới. Hình ảnh này ví với người nam rất đúng.
Trong khi đó rau răm vốn chẳng cao sang, ít ai để ý. Nhà nào cũng trồng một vạt nhỏ rồi để đó, khi nào cần thì ra hái, thực tế không cần tốn công chăm sóc. Mặc dù có những món như cá kèo kho với rau răm ngon ai cũng biết (lúc này mà không có rau răm thì mùi vị mất đi một nửa). Ví thân phận người phụ nữ trong gia đình với cây rau răm thật là hay.
Ngày xưa tôi thường nghe mẹ hát ru em. Mỗi khi hát đến câu ấy mắt mẹ rất buồn. Cây cải về trời bỏ rau răm ở lại không buồn sao được.
Còn ý này nữa: “lời” hay “đời”. Nếu đọc trên mạng hôm nay thì bạn sẽ gặp “chịu đời đắng cay” nhiều hơn, nhưng tôi nghe trực tiếp lời ru thì hầu hết người già đều hát là “chịu lời đắng cay”, và ý kiến riêng của tôi cũng vậy.
Về nguồn gốc, tôi nghĩ rằng câu ca dao được sinh ra bởi một thi sĩ khuyết danh nào đó, một người có văn tài và quan trọng nhất, đó là người có cuộc sống gần gũi với dân chúng.
Nói thêm một chút: nếu bạn nào có đọc thuyết nguồn gốc của câu ca dao này liên quan đến Hoàng tử Cải, vua Gia Long và bà Phi Yến thì theo tôi đó là chuyện nhảm. Đời sống văn học đôi khi chấp nhận những sự gán ghép có mục đích, nhưng trong học thuật thì không nên suy xét hời hợt như thế. Câu ca dao ấy dứt khoát phải có một sự xuất phát từ đời sông người dân bình thường như đã phân tích ở trên.
Chúc cả nhà nhiều niềm vui.
Banron

 


Ngủ rồi oliu

Trả lời #2 vào: 17-04-2010 23:06:34
opla trả lời:
@banron
Lâu nay mấy đứa cháu ở nhà xem phim ảnh rồi bàn tán câu \\\" Live fast, love strong\\\", lòng em ngán ngẫm. Dẫu hiểu rằng cuộc sống và quan niệm về tình yêu sẽ phải thay đổi nhưng vẫn thấy vui khi đọc lại câu thơ lục bát được bác trích ở trên. Nó nhẹ nhàng, đầm thấm và đẹp biết bao.
Với mơ ước giảm bớt cảnh \\\" Love fast, die young\\\", bác banron viết tiếp thể loại cao dao này nhé. Người Việt mà không có ít nhất 100 câu cao dao trong bụng thì sẽ thiệt thòi lắm đó.
À, có câu này nhờ các bác trong diễn đàn giải thích nguồn gốc và ý nghĩa giúp em với.
\\\" Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay\\\"
[/b][/color]Câu này em nghe đôi lần trong các tuồng cải lương nhưng chưa hiểu được mối liên hệ giữa cải và rau răm. Và câu này muốn nói điều gì? Mong các bác chỉ giáo, em xin đãi các bác chầu ....trứng vịt lộn.
Thân,
Opla

 


Ngủ rồi oliu

Trả lời #1 vào: 17-04-2010 23:02:40
Lần trước gặp nhau Opla bảo tôi nên viết mục “Mỗi tuần một câu ca dao”.  Tôi nghĩ cái tựa đề nghe có vẻ “cam kết” quá, ngại rằng sẽ có lúc thiếu thời gian mà không giữ được nhịp độ mỗi tuần một bài nên thôi.
Hôm nay vô tình đọc trên mạng thấy nhắc đến một câu “ca dao”, tự nhiên muốn nói ra vài cảm nghĩ để chia sẻ cùng các bạn cho vui.
Đó là hai câu thơ lục bát cực hay:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.

Tình cảm nhẹ nhàng trong cảnh trăng sáng lung linh, đẹp quá! Nhưng lẽ ra nên giới thiệu đó là hai câu thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân ở bài “Tiếng hát trong trăng” trong tập thơ ”Tiếng thông reo” xuất bản vào đầu năm 1935. Đây là đoạn đầu của bài thơ:

Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von,
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
- Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
...

Hẳn nhiều người thấy câu “ca dao” hay hơn nguyên tác (“múc ánh trăng vàng” hay hơn “lại múc trăng vàng”) nhưng đó lại là chuyện khác. Điều chúng ta thấy hơi buồn là nếu trả lại câu thơ đó cho Bàng Bá Lân thì vẫn tốt hơn.
Trong chuyện này học sinh không có lỗi vì trong cuốn “Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan xuất bản năm 1955 cũng dẫn hai câu trên làm ví dụ ca dao. Tiếc rằng lúc đó Bàng Bá Lân sống ở miền Nam nên không đọc được để mà lên tiếng.
Còn nhiều tình huống khác nữa. Giá như học sinh nước ta ham học hỏi và nghiên cứu môn văn thì các nhà thơ có lẽ sẽ vui mừng và hãnh diện hơn khi đóng góp vào kho tàng văn học dân gian những câu ca dao theo kiểu như trên.

Chúc các bạn một tuần nhiều niềm vui.

Banron