Người Tôi Cưu Mang
CUỘC SỐNG QUANH TA => Tâm sự - Chia sẻ => Kỹ năng sống => Tác giả chủ đề:: banron vào 24-02-2012 07:27:38
-
Khi đọc bài \\\"Cái hay của Mạnh Thường Quân\\\", có bạn hỏi về Tín Lăng Quân, tôi xin viết một bài ngắn trong chủ đề riêng này
Tín Lăng Quân Vô Kỵ là một người nổi danh trong lịch sử Trung Quốc bởi lòng khiêm nhường, tuy ở địa vị cao mà rất lễ độ (xem chuyện Hầu Doanh). Ông còn được ca tụng bởi lòng trung tín (xem chuyện cướp binh phù cứu Triệu) và hơn hết ông là một tướng tài (nhà Tần chỉ thu phục được sáu nước để thống nhất Trung Hoa sau khi Tín Lăng Quân chết).
Nếu có thời gian, các bạn nên tìm đọc thẳng trong Sử Ký Tư Mã Thiên qua lời dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê để cảm nhận hết cái bi hùng lịch sử; nếu không có thời gian thì đọc đỡ trên Wikipedia để biết sơ qua, tuy mức độ truyền đạt cảm xúc đã giảm đi nhiều.
http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ADn_L%C4%83ng_qu%C3%A2n
Ở đây tôi chỉ nói thêm đôi nét về ông .
Nước Tần kể từ khi có sự phò tá của Trương Nghi lập kế liên hoành, thế mạnh như thác đổ, không ai không sợ. Nên khi Tần đem quân đánh Triệu, các nước tuy theo giao ước hợp tung chống Tần nhưng ai cũng chỉ đóng quân xa xa mà nghe ngóng chứ không dám xông vào cứu đồng minh, sợ Tần trả thù. Ngụy Vương sai Tấn Bỉ mang mười vạn quân đi giúp Triệu nhưng cũng dặn dò như thế nên Bình Nguyên Quân Triệu Thắng mấy lần giục mà quân Ngụy vẫn đứng ngoài. Xuân Thân Quân Hoàng Yết cũng chưa chịu động binh.
Thế là một mình Tín Lăng Quân giữ chữ tín, dẫn gia nhân đi cứu Triệu. Đọc đoạn này trong Sử Ký ta cảm nhận cái bi hùng của lịch sử. Cảm phục những con người như Hầu Doanh, Chu Hợi, thấy thương Tấn Bỉ vì nghe lệnh vua mà lưỡng lự không chịu giao binh phù, thấy cảm động khi Ngụy công tử khóc vì đoán trước rằng phải giết vị lão tướng này chứ chắc chắn Tấn Bỉ sẽ không dễ dàng trao ấn chỉ huy khi đang giữa trận tiền.
Một mình ông cầm quân đuổi tướng Tần là Vương Hột chạy dài; năm nước sau đó tin tưởng trao ông thống lĩnh toàn bộ binh quyền (ta nên nhớ lúc này ông còn rất trẻ). Danh tướng của Tần là Mông Ngao không tài nào thắng được. Đến khi vua Tần dùng tiền mua chuộc người gièm pha ông với Ngụy Vương để không tin dùng ông nữa. Tín Lăng Quân buồn bã chìm trong tửu sắc mấy năm sau bệnh mà chết. Mông Ngao quay lại làm cỏ nước Ngụy, lần lượt các nước bị Tần xâm chiếm hết.
Không ai biết ông mất lúc bao nhiêu tuổi. Nếu ta tính nhẩm Tín Lăng Quân có mười năm lưu lạc nương nhờ Bình Nguyên Quân vì vụ giết Tấn Bỉ cướp binh phù đi cứu Triệu, cộng với mấy năm quay lại làm tướng nước Ngụy chống Tần sang gây hấn, cộng với bốn năm sa vào tửu sắc vì nhà vua sau khi hết nạn ngoại xâm (thực chất là Tần thấy có Tín Lăng Quân quay về thì không đánh Ngụy nữa) nghe lời gièm pha mà bỏ ông… có thể đoán ông mất khoảng gần 40 tuổi.
Đọc Tín Lăng Quân ta thấy phục một đấng nam nhi trong thời tao loạn, nể nét già dặn khiêm cung của một người trẻ tuổi tài cao, và thương cho một tài hoa chết khi tuổi chưa già. Có lẽ cuộc đời cũng ưu ái cho ông được thảnh thơi không phải nhọc nhằn trên lưng ngựa. Ông chết trong vòng tay của các mỹ nhân.
Tóm lại, nhắc đến Tín Lăng Quân ta nhớ ngay đến 3 chữ Tín Nghĩa, Khiêm Cung cùng với chữ Tài Hoa.