Tác giả Chủ đề: Cây đa bến cũ còn lưa  (Đã xem 4126 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi hongphuc

Trả lời #2 vào: 10-07-2010 22:43:48
Thoáng nhìn cái tựa đề hongphuc tưởng bạn Baron viết còn thiếu. Chưa bao giờ hongphuc nghe đến chữ \\\"lưa\\\". Đúng là kiến thức mình thật hạn hẹp quá!

Cảm ơn bạn đã chia sẽ những dòng chân tình. hongphuc đọc xong tự nhiên thấy đượm buồn. Đúng là xã hội càng văn minh, con người càng trở nên cô đơn, ích kỷ.

Chúc các bạn ở VN biết hạnh phúc với những thứ đơn giản mà đáng quí mà mình đang có.

 


Ngủ rồi banron

Trả lời #1 vào: 10-07-2010 21:08:46

 “Bốn ngàn đi chợ hết ba ngàn còn lưa một”.

Lưa nghĩa là còn lại. Hồi nhỏ tôi nói rặt giọng miền quê Quảng Trị, thứ “tiếng” có lượng từ địa phương nhiều vô số kể. Người thành phố nghe khó hiểu không chỉ vì cái giọng nặng trịch mà còn vì chúng tôi dùng rất nhiều từ địa phương, những từ nói ra người ta biết ngay anh là dân nhà quê. Bây giờ hiếm khi bắt gặp một người dùng những từ như chữ lưa ở trên. Hết nhà quê rồi! Mà cũng còn ít người hiểu những chữ đó lắm, nếu có thì chắc cũng đã thuộc hàng… U60!

Thật không phải khi cứ tỏ ra lưu luyến cái chất nhà quê đó nhưng đôi khi tự hỏi: tại sao trong hai tiếng quê hương mà mọi người ca tụng cũng có một chữ quê?

Mặt trái của sự đô thị hóa chính là nó làm cho người ta xa dần cái tình thân thiết gắn bó giữa con người với nhau và với mảnh đất mà mình đang sống, từ đó trở nên lẻ loi, ích kỷ. Giếng nước chung trong xóm là nơi thanh niên nam nữ gặp nhau; cây đa đầu làng là nơi hò hẹn; cái áo mới bố mua nhân dịp xuân về, món ăn ngon mẹ nấu trong mấy ngày Tết… chính những điều nhỏ nhoi đó đã nhen nhóm trong ta lòng yêu quê hương chứ không phải từ các tòa nhà cao ốc văn phòng, hay những đoạn đường đông nghẹt người xe trong thành phố.

Mỗi năm hàng trăm ngàn người dân bỏ quê vào thành phố làm ăn theo dòng chảy cuộc sống. Miếng cơm manh áo khó khăn khiến họ tha phương dù không ai muốn thế. Cảnh quê nay đã không còn mà người quê tình quê cũng sắp hết. Bây giờ chữ quê đồng nghĩa với chữ nghèo. Chuyện này không có gì mới, hệt như nước Pháp nước Anh thời kỳ đầu công nghiệp hóa khoảng hai thế kỷ trước mà thôi.

Các nhà thơ sớm nhận ra chuyện này: bản năng trở về cội nguồn của con người là một bản năng rất mạnh. Làm gì thì làm, họ đều muốn quay về vui thú điền viên, ít nhất trong một quãng đời. Người Việt Nam sống ở nước ngoài cũng luôn bị thúc giục bởi ý nghĩ trở lại quê nhà.  “Chốn quê nhà” sở dĩ có sự lôi cuốn như vậy là do bản năng trở về của con người.

Cuộc sống văn minh đầy stress vẫn cứ lao tới như một toa tàu cuốn theo nhiều thứ nhưng ta có bản năng ưa nhìn về dĩ vãng, tìm hiểu người xưa cảnh cũ để học và lưu lại những di sản của tiền nhân. Chừng nào lòng còn rung lên vì chút tình quê khi đọc một câu thơ cũ thì tinh thần của ta vẫn còn tráng kiện trước những giông bão cuộc đời.

Cây đa bến cũ còn lưa
Con đò năm trước năm xưa đâu rồi?


Chúc các bạn luôn vui.

Banron