Tác giả Chủ đề: Khoảng Lặng ngày khai trường  (Đã xem 1945 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi Sonnynhan

Trả lời #1 vào: 09-09-2011 20:27:31
Khoảng lặng ngày khai trường

TT - Tựu trường, ngay tại TP.HCM, đô thị nhộn nhịp nhất cả nước, vẫn còn những bước chân học trò nghèo chông chênh trên đường tới lớp...

Chị Huỳnh Thị Dạ Lan, khu phố 6, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, tự nói với lòng là thôi nghĩ ngợi đi, nghĩ hoài chỉ thấy rầu, thấy rối chứ có giải quyết được gì đâu. Chị biết nếu ngồi rầu thêm chút nữa, thế nào chị cũng quẫn trí rồi tính chuyện cho thằng Trọng Huynh nghỉ học.

Hành trang... vé số

Thằng Huynh mà nghỉ thì chị chỉ còn phải lo tiền học cho thằng Đệ, vậy thì họa may sức chị còn kham nổi. Hôm bữa, mới nghe chị nói xa nói gần chuyện cho thằng Huynh đi ở nhà người bà con, hai anh em Huynh - Đệ đã khóc ròng, không chịu. Chị năn nỉ con một hồi rồi lại thấy giận mình kinh khủng vì làm mẹ mà không lo được cho con.

Trong sơ yếu lý lịch của mấy đứa con chị Lan, phần nghề nghiệp của mẹ, các em chỉ ghi đơn giản là buôn bán. Thì cái ô trống nhỏ xíu trong bản lý lịch chỉ đủ để ghi hai chữ đó thôi. Thực tế nghề nghiệp của chị khó diễn đạt hơn nhiều.

Xòe hai bàn tay chưa chắc đếm hết được những công việc mà chị đã và đang làm: nấu sữa đậu nành, bán thuốc lá, bán vé số dạo, bán bánh ướt, làm thợ nấu đám cưới, đám giỗ, đám ma rồi bốc vác, khiêng đồ, lặt rau mướn, bào rau thuê, tắm cho người bệnh, chăm sóc người già, làm cả những chuyện mà đến con cháu của họ cũng ghê, không dám làm như vệ sinh, đổ bô... Có dạo chị còn chạy xe ôm. Ai mướn gì, cực mấy chị cũng làm, miễn kiếm được tiền lo cho con đi học.

Hai đứa út chị sinh đôi, đặt cho hai cái tên thiệt đẹp: Nguyễn Huỳnh Trọng Huynh - Nguyễn Huỳnh Trọng Đệ. Cha không còn chung sống với gia đình, sức mẹ có hạn, để có tiền đi học, hai anh em Huynh - Đệ đã có thâm niên bán vé số dạo hơn ba năm.

Từ ngày mới 8 tuổi, hai anh em đã quen với lịch làm việc: một buổi đi học, một buổi mài chân trên những con đường, hẻm nhỏ để bán vận may. Không chỉ loanh quanh trong các con đường nhỏ, có bữa hai anh em còn dắt nhau ra tới xa lộ Hà Nội, ngã tư Thủ Đức, đứng bán ở siêu thị Co.op Mart...

Hè vừa rồi hai anh em đi bán nhiều hơn để kiếm tiền mua mắt kính vì đứa nào cũng bị cận hơn 4 độ. Vậy mà mới hôm trước thôi, Đệ đứng đếm tiền thì bị hai người đi xe gắn máy vù ngang giật hết tiền và vé số.

Trước ngày tựu trường, chị Lan tần ngần dắt hai con ghé vô tiệm giày. Ngó vô tủ kính thấy một đôi giày giá 185.000 đồng, mẹ con dắt nhau về, vòng ra chợ trời mua giày đổ đống. Giày xăngđan, giày vải học thể dục, đồng phục thể dục, áo đồng phục của trường, sách giáo khoa, sách bài tập... trăm thứ cần mua. Vét hết tiền, chị chỉ mua được cái áo cho con, còn quần thì mặc lại quần cũ, sách thì đi mượn, xin sách cũ.

Căn nhà của ba mẹ con, ai ghé thăm cũng thấy giống như một vựa củi hay vựa ve chai. Để có củi nấu sữa bán, mẹ con chị đi mót gỗ vụn từ các công trình xây dựng rồi chất lên xe cút kít đẩy về xếp quanh nhà. Mấy tuần nay, tự nhiên đường Đặng Văn Bi kẹt xe liên miên. Khách muốn ghé vô mua điếu thuốc, uống ly sữa cũng bó tay. Xe sữa đậu nành, bánh ướt của chị ế chỏng chơ. Cả nhà uống sữa, ăn bánh trừ cơm.

Chị cười buồn: “Hổng biết có phải tại uống sữa, ăn bánh ế riết nên hai thằng nhỏ hoài hổng lớn. Lớp 6 rồi mà mới tròm trèm 25kg”. Vậy mà năm năm liền cậu nhóc Nguyễn Huỳnh Trọng Đệ là học sinh giỏi của Trường tiểu học Từ Đức. Hai anh em hồn nhiên khoe: “Lúc đi học hay đi bán vé số, tụi con còn để ý mót bọc nilông, chai nhựa, phế liệu về cho mẹ”.

Chị Lan tiếp lời: “Chai nhựa, chai nước suối giờ bán được lắm, hễ chục chai là bán được 3.000 đồng. Bây giờ ít ngàn không mua được cái gì nhưng nhiều cái “ít ngàn” như vậy, biết đâu giúp cho hai đứa nhỏ nhà tui còn được đi học”.

Những hộp xôi đến lớp

Ngày nào cũng vậy, tầm hơn 3g sáng là khoảng sân nhỏ trước nhà trọ của vợ chồng anh Huỳnh Thanh Thư và chị Lê Thanh Trang, ngụ P.Hiệp Phú, Q.9, lại sáng lửa bập bùng. Sống trong khu dân cư đông đúc, xung quanh toàn là nhà cao tầng, ai cũng xài bếp gas, nấu nồi điện, bếp lửa sớm mai của hai vợ chồng thật lạc lõng, đơn côi. Củi nấu là những cái chân bàn gãy, những thanh nẹp lởm chởm đinh xin được từ mấy chỗ người ta sửa nhà. Chiều hôm trước, anh Thư đã hì hụi bặm môi ngồi nhổ đinh hay đóng cho nó tà đi, củi cho vào bếp sẽ cháy nhanh và đượm hơn.

Nồi xôi của chị Trang không lớn lắm. Dạo này buôn bán khó khăn, mỗi bữa chị chỉ dám nấu 3kg nếp làm xôi mặn bán cho con nít đi học, người đi làm ăn sáng. Ngoài xôi, chị còn bán cơm tấm, bún thịt xào, thịt nướng. Gần 5g sáng, cô bé Huỳnh Thanh Thy trở dậy, phụ mẹ dọn hàng, đẩy xe xôi ra đường lớn.

Cô học trò lớp 9 Trường THCS Hoa Lư đã quen với việc ngồi bán xôi, bưng cơm tấm cho khách dù năm nay Thy đã ra dáng thiếu nữ. Không chỉ phụ mẹ bán trước hẻm, Thy còn vô trường “quảng cáo”, chào hàng với bạn bè. Bạn muốn ăn xôi, ăn cơm buổi sáng thì dặn trước với Thy một ngày. Sáng đó Thy sẽ đi học sớm hơn một chút. Hành trang tới lớp của cô bé ngoài cặp sách còn có những hộp cơm, hộp xôi nóng hổi đem vô trường bán.

Cách đây ít tháng, gia đình Thy phải dọn đi thuê nhà trọ. Căn nhà cũ bố mẹ Thy đã bán để góp tiền cùng gia đình chữa bệnh cho bà nội. Trong gian phòng trọ chỉ rộng hơn chục mét vuông, chiếc bàn học, cái kệ sách nhỏ và phần tường dán rất nhiều giấy khen, giấy công nhận danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ mang tên Huỳnh Thanh Thy là góc tươi sáng nhất.

Tám năm liền là học sinh giỏi, cô bé bán xôi Huỳnh Thanh Thy nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo dạy văn dù ai cũng chọc: “Dạy văn nghèo lắm, có khi còn không hơn được bán xôi đâu!”. Em bẽn lẽn cười: “Ở trường, môn học yêu thích của em là văn và sử. Em thích nhất là đọc sách của thầy Nguyễn Ngọc Ký, chú Nguyễn Nhật Ánh. Nếu em còn may mắn được đi học, em nhất định sẽ làm cô giáo”.

Bài toán từ... còng

Xòe bàn tay đầy vết xước, chị Huỳnh Thị Hồng (ngụ P.Trường Thạnh, Q.9) nói mới bị còng kẹp đau thấu trời. Sống ở thế kỷ 21, xã giờ đã lên phường, đường nhựa trải láng o tới cửa nhà nhưng nghề nghiệp mưu sinh chính của chị vẫn là bắt còng. Lần theo mé ruộng, bờ mương, bám theo những dấu chân nhỏ xíu in trên mép sình hay thò tay vào tận hang, ngày nào “trúng” lắm chị Hồng và hai “đồng nghiệp” cũng kiếm được 5-7kg còng với giá khoảng 20.000 đồng/kg.

Nhờ bắt còng, chị Hồng mới có tiền lo cho hai con đi học. Nhìn thành tích của em Cát Huỳnh Phương Tuyết, con gái lớn của chị: học sinh giỏi sáu năm liền của Trường THCS Trường Thạnh, Q.9, năm học vừa rồi em có điểm trung bình cuối năm cao nhất khối, ít ai tưởng tượng bé Tuyết là con của một người mẹ đơn thân nuôi con, sống bằng nghề bắt còng, bán khoai.

Dạo trước, khi chưa chuyển hẳn sang nghề bắt còng, chị Hồng thường hay ra chợ mua khoai mì, khoai lang về nấu rồi cùng mấy người chị đem bán ở khu vực cầu Tăng Long, phía trước Công ty giày Nhị Hiệp. Chồng chị bỏ đi khi thằng nhỏ mới 1 tuổi, còn Tuyết chưa đầy 5 tuổi. Chị cười buồn: “Đi ba năm, ổng mới về thăm con. Tới khi ổng về, mấy đứa nhỏ chạy vô nói: má ơi, có chú nào tới kiếm. Cha nhìn con, con nhìn cha, không nói với nhau tiếng nào”. Thương mẹ, Tuyết rất siêng học. Ngoài giờ học, có hôm Tuyết theo mẹ đi bắt còng. Thời gian còn lại em tự học và dạy học cho đứa em trai học lớp 4.

Nhà không có bảng đen, hai chị em học với tấm bảng làm bằng mặt sau của một miếng ván ép màu vàng đục. Có người hỏi chị Hồng lỡ ngày nào không bắt còng được nữa, chị tính nuôi con bằng cách nào? Chị cười lớn, xua tay: “Trời, chưa biết nữa. Mà nghĩ chi tới chuyện xa vậy, càng nghĩ càng rầu, có khi rầu không đi mần được lại khổ con”.

Hôm gặp chị, tôi đánh bạo hỏi thiệt chị là... trong túi chị còn được bao nhiêu tiền? Chị thiệt tình: “Bất tử mà hỏi tiền mặt thì tui phải chạy đi mượn, chớ tiền bán còng ngày nào xài ngày đó”. Và chuyện học của hai con cũng đang là chuyện được ngày nào hay ngày đó.

Không biết là không nghe hay không để ý đến câu mẹ nói, bé Tuyết khoe là em rất thích được đi học để mai mốt làm cô giáo dạy toán.

Nguồn : http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/454906/Khoang-lang-ngay-khai-truong.html

Không biết là báo đăng như thế này rồi các em có được giúp đỡ hay không nửa? có em nào phải nghỉ học hay không? Thấy buồn cho những hoàn cảnh thế này,.!