Chào Theanh và cả nhà,
Qua loạt bài trên, tôi cũng muốn góp một vài ý kiến để các bạn đọc cho vui.
Trước hết xin nhấn mạnh lại là với topic này, chúng ta đang bàn về những điều thuần túy lý trí và logic của tư duy, không đề cập đến yếu tố cảm nhận hay nói chung liên quan đến… trái tim.
1. Lỗi cố chấp trong tư duy:
Cố chấp trong tư duy khác với tính cố chấp. Khi cố chấp thực ra ta chưa hề suy nghĩ kỹ điều ngược lại với ý mình, còn lỗi cố chấp trong tư duy thì thực sự bộ não có khuynh hướng trượt theo lối mòn, cho dù suy nghĩ kỹ trong một trạng thái thanh thản cũng khó lòng ra được một kết quả khác.
Với ví dụ trong bài, bộ não quả có bị một “kích thích” nào đó ghi nhận lại cảm giác ban đầu không mấy hay ho với món cá rô đồng, làm giảm hứng thú của chủ thể tội nghiệp kia dù “hắn” đôi khi cũng muốn ăn thử lại món đó. Điều này tương tự như lý thuyết phản xạ có điều kiện của Paplov.
Nhận ra được lỗi này sẽ đạt được sự tăng tiến đáng kể trong suy nghĩ và nhất là bỏ được nhiều định kiến.
2. Lỗi khuếch đại trong tư duy:
Đây cũng chính là lỗi nhận định, rất thường gặp trong công việc cũng như đời sống hàng ngày. Quá, bất cập hay trung dung là ở chỗ này.
Sẵn đụng đến chữ trung dung tôi xin nói thêm cho rõ: trung dung theo Aristotle và trung dung theo Không Tử khác nhau nhiều. Theo Aristotle truyền đạt cho học trò, trung dung nằm giữa liều mạng và nhút nhát, tức can đảm; trung dung nằm giữa keo kiệt và phung phí, tức rộng rãi; hay trung dung nằm giữa vồn vã và e dè, tức lịch thiệp. Khổng Tử thì không dạy như thế. Đối với ông, không có gì là không thể mà cũng không có gì là bắt buộc phải như thế (vô khả vô bất khả). Khi cần liều mạng thì cứ liều mạng (chết vinh hơn sống nhục), khi không cần thiết thì phải biết nhút nhát để giữ mạng sống quý hơn vàng. (Luận ngữ: bạo hổ băng hà, tử nhi vô hối giả, ngô bất dữ dã: người tay không mà bắt cọp, không thuyền mà vượt sông, chết mà không tiếc, thì ta không cùng chung với những người đó).
Bạn nào theo được phép trung dung dù của vị nào trong hai vị trên cũng đều xuất chúng cả.
3. Lỗi ngưng trệ trong tư duy:
Chữ ngưng trệ ở đây có thể gây hiểu nhầm đến năng lực tư duy, thực ra lỗi này không nguy hiểm lắm, chỉ làm bạn mất thời gian chứ không làm cho tư duy sai.
4. Lỗi hồi biến trong tư duy:
Không biết người dịch có kiểm tra lại chưa, dùng chữ hồi biến ở đây cũng không ổn. Vì theo đoạn dưới thì lỗi ở đây là lỗi “muốn hồi biến”, tức đòi thay đổi cái đã rồi, cái trong quá khứ vốn không thể thay đổi.
Tóm lại, tư duy hiếm người được hoàn hảo. Ai có ý thức tự khắc phục những lỗi tư duy như đã nói trên đều sẽ thấy kết quả rất tốt đẹp nhiều khi chính họ cũng không ngờ.
Chúc cả nhà vui vẻ
Banron